Điển Tích

Điển tích văn học và lời hay ý đẹp

Moderators: littlehoney999, A Mít

Re: Điển Tích

Postby bevanng » 16 Apr 2022

Bích Câu Kỳ Ngộ


Sự gặp gỡ lạ kỳ ở Bích-Câu. Tên một tác phẩm vô danh, gồm có 648 câu thơ viết theo thể lục bát, lời văn rất nhẹ nhàng, chãi chuốt, có nhiều câu giống trong truyện “Kiều” và truyện “Hoa Tiên”. Nữ sĩ Đoàn-Thị-Điểm có viết truyện Bích-Câu bằng chữ Hán, riêng bản quốc-văn không rõ ai là tác giả. Truyện “Bích-Câu Kỳ-Ngộ” có thể tóm lược như sau: Trần-Tú-Yên, đời vua Lê-Hồng Đức (1470-1497), là một hàn-sĩ thích dạo chơi những danh lam thắng cảnh. Đến phường Bích Câu (thuộc huyện Thọ-Xương — Hà-Nội, tức là phố Cát-Linh. Hiện nay nơi đấy còn đền thờ Tú-Uyên), thấy nơi đây phong cảnh đẹp, thích hợp với mình, Tú-Uyên liền làm nhà ở. Một hôm nhân đi xem hội ở Ngọc-Hồ (tức là chùa Bà Ngô ở phố Sinh-Từ — Hà-Nội) chiều về, Tú-Uyên gặp một người con gái tuyệt đẹp.
Uyên di theo sau, nhưng đến cửa phía Nam, người con gái bỗng nhiên biến mất. Về nhà, Tú-Uyên nhớ người con gái rồi sinh ra tương tư, liền đến đền Bạch-Mã cầu thần mách bảo. Tú-Uyên đến nơi thần mách không gặp người con gái mà lại gặp một cụ già bán tranh, có một bức tranh vẽ một cô gái giống hệt người Tú-Uyên đã gặp hôm nọ. Tú-Uyên bỏ tiền ra mua tranh và đem về nhà treo trên vách, mỗi ngày đều nhìn vào trông như người thật. Một hôm đi học về, thấy cổ bàn đã dọn sẵn, Tố Uyên sinh nghi mới núp rình xem, thì thấy người con gái trong tranh bước ra sửa soạn, quét dọn nhà cửa. Mừng rỡ, Tú-Uyên hỏi nguyên-do, người con gái ấy xưng là Giáng Kiều, vốn là tiên nữ cõi trời xuống. Cả hai cùng quyến luyến và kết làm chồng vợ. Sau ba năm ân ái, Tú-Uyên thường bỏ bê việc trau giồi kinh sử, lại bê tha rượu chè, Giáng-Kiều khuyên can mãi không được, nhiều khi còn bị chồng bạc đãi, đánh đập. Tức giận Giáng-Kiều biến mất. Tú-Uyên tĩnh rượu thấy mất vợ, tỏ ra vô cùng ăn năn hối hận buồn rầu, Uyên định tự tử. Nàng hiện ra, và vợ chồng hòa thuận như xưa, sống trong hạnh phúc. Nàng hạ sanh được một trai là Châu-Nhi. Giáng-Kiều khuyên chồng nên lo tu luyện để về ở cõi tiên. Tú-Uyên nghe theo, được vợ dạy cách luyện theo tiên thuật. Sau khi dặn dò con là Châu-Nhi, Tú-Uyên và Giáng Kiều đều cỡi hạc về cảnh tiên.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Điển Tích

Postby bevanng » 18 Apr 2022


Lý Thái Bạch


Kim Cổ Kỳ Quan

Cung Oán Ngâm Khúc

Câu cẩm tú đàn anh họ Lý,
Nét đan thanh bậc chị chàng Vương.


Bích Câu Kỳ Ngộ


Thôi ngày chán lại đêm thâu,
Cạn chung Lý Bạch, nghiêng bầu Lưu Linh.


Về đời vua Đường Miah Hoàng (Dương lịch: 713 - 756), tại Cẩm châu, thuộc tỉnh Tứ xuyên, có một người tài tử, họ Lý tên Bạch, tiểu tự Thái Bạch, biệt hiệu Thanh Liên Cư sĩ, là cháu chín đời vua Lương Vũ Đế. Bà mẹ nằm mộng thấy sao Thái Bạch sa vào lòng rồi sinh ra ông, cho nên mới đặt tên ông như vậy.
Lý Bạch tư dung như vẽ, cốt cách thanh tao. Mới mười tuổi đã tinh thông các sách, miệng đọc thành thơ, cho nên người đời đều coi là một vị thần tiên giáng thế, mà gọi là Lý Trích Tiên.
Trích Tiên tính hay ngâm vịnh, thích ngao du chốn nước biếc non xanh và mong được uống hết các thứ rượu ngon trong thiên hạ.
Một hôm, nghe nói ở Hồ nam có thứ rượu Ô trình rất ngon, ông chẳng quản đường xa dặm thẳm, tìm đến một quán rượu ở đó, uống thật say rồi ngâm thơ. Chợt có quân Tư mã Cao Diệp đi qua, nghe thấy, bèn cho lính vào hỏi. Trích Tiên ứng khẩu đáp bằng một bài thơ.

Thanh Liên Cư sĩ Trích Tiên đây,
Giấu tiếng bao năm chốn tỉnh say;
Tư mã việc chi còn phải hỏi,
Như Lai Kim Túc hiện thân này.


Nguyên tác:

Thanh Liên Cư sĩ Trích Tiên nhân,
Tửu tứ đào danh tam thập xuân;
Hồ châu Tư mã hà tu vấn,
Kim Túc Như Lai thị hậu thân.


音 逢 居 士 誦 仙 人
酒 摔 逃 名 三 十 春
湖 州 司 馬 何 项 問
金 粟 如 禾 是 後 身


Tư mã nghe thơ biết là Trích Tiên ở Tây thục, một người mình vẫn mộ tiếng, thì mừng rỡ vô cùng, liền mời về nhà, giữ luôn mười ngày để uống rượu. Khi tiễn biệt, Tư mã lại hậu tặng và nói rằng:
- Túc hạ là người có tài, rất dễ phát đạt, sao chẳng về Trường an mà ứng thí?
Lý Bạch đáp:
- Đời này, muốn thi đỗ thì phải có tiền có thế, chứ không nhờ ở học ở tài. Muốn tránh nỗi tức giận về những sự bất công, cho nên không ứng thí.
Tư Mã lại nói:
- Tuy vậy, Trường an là nơi đô hội, thiếu chi tài tử văn nhân, thì tài học như Túc hạ tất có người thưởng thức.
Lý Bạch nghe lời, bèn đi ngay Trường an.
Một hôm, Lý Bạch ngẫu gặp quan Học sĩ Hạ Tri Chương, cùng nói chuyện văn chương mà thành tri kỷ. Hạ liền mời Lý về nhá, kết nghĩa anh em, rồi ngày ngày uống rượu ngâm thơ, ngao du sơn thủy.
Ngày qua tháng lại, sắp tới khoa thi. Tri Chương bảo Lý Bạch rằng:
- Khoa này, thì chủ khảo là quan Thái sư Dương Quốc Trung, tức anh Dương Quý Phi, giám thí là quan Thái úy Cao Lực Sĩ, đều là những kẻ tham nhũng, nếu không có tiền như hiền đệ, thì không sao đỗ được. Nhưng tôi quen biết, có thể viết thư cho họ để nói trước về tài học của hiền đệ, thì họ sẽ nễ mà không nỡ đánh hỏng oan.
Lý Bạch, tính vốn không hay cầu cạnh nhưng cũng không nỡ can ngăn bạn.
Dương Quốc Trung với Cao Lực Sĩ tiếp được thư, cười mà nói với nhau rằng:
- Hạ Tri Chương tất đã lấy vàng bạc của Lý Bạch rồi viết giấy nhờ chúng ta. Vậy hễ thấy quyển của họ Lý thì nhất định đánh hỏng.
Ngày 7 mồng 3 tháng 3, là kỳ đệ nhất. Hãy còn sớm, Lý Bạch đã viết xong và đem quyển nộp. Mặc dầu chữ tốt văn hay, Quốc Trung nhận thấy tên Lý Bạch, cầm quyển xem qua rồi trao cho Cao Lực Sĩ mà nói rằng:
- Người học trò này dốt quá, chỉ đáng mài mực cho thí sinh thôi.
Cao Lực Sĩ nói tiếp rằng:
- Có lẽ chưa đáng mài mực, chỉ đáng cởi giầy cho họ thôi.
Dương Quốc Trung bèn phê hỏng vào quyển rồi vất quyển đi, lại sai đuổi ngay Lý Bạch ra ngoài cửa trường.
Lý Bạch cả giận, về nhà thề rằng: “Hễ sau có làm nên, thì quyết bắt Quốc Trung mài mực và Lực sĩ cởi giày cho hả giận”. Hạ Tri Chương thấy vậy khuyên rằng:
- Hiền đệ chớ lo, cứ ở đây chờ đến khoa sau, có quan trường khác, thế nào cũng đỗ.
Từ đấy, hai người ngày ngày chỉ cùng nhau uống rượu ngâm thơ.
Năm sau, có sứ Phiên đến, Triều đình mới phái Hạ Tri Chương ra tiếp tại sứ quán. Khi vào bệ kiến, sứ thần dâng Vua một phong quốc thư. Vua giao thư cho Hạ Tri Chương mở thư tuyên đọc, Tri Chương xem qua rồi tâu rằng:
- Muôn tâu Bệ hạ, thư này viết bằng chữ ngoại quốc, hạ thần chưa học qua, nên không đọc nỗi.
Vua truyền giao cho các quan Hàn lâm khác, nhưng không có ai đọc được. Vua giận mà nói rằng:
- Cả tòa Hàn lâm có hàng trăm người, mà không một ai đọc nỗi bức thư, thì thực mất thể diện với nước ngoài. Nay truyền cho các quan đại thần, trong hạn năm ngày, phải tìm chọ được một người đọc nỗi thư đó.
Các quan đều lo sợ.
Hạ Tri Chương về nhà thuật lại chuyện ấy cho Lý Bạch nghe, thì Lý Bạch cười mà nỏi rằng:
- Nếu khoa vừa rồi ta đỗ, thì làm gì mà chả giúp vua giảng bức thư Phiên.
Hạ Tri Chương vội hỏi:
- Hiền đệ có đọc được chữ Phiên à?
Lý Bạch gật đầu. Hạ Tri Chương vào tâu với vua rằng:
- Muôn tâu Bệ hạ, có một người học trò tỉnh Tứ xuyên tên là Lý Bạch, hiện đang ở chơi nhà hạ thần, tuy chưa thành đạt, nhưng học rộng tài cao, biết nhiều thứ chữ ngoại quốc. Tưởng nhà Vua nên truyền gọi mà hỏi.
Vua mừng lắm, liền sai sứ giả đến gọi Lý Bạch. Lý Bạch thưa rằng:
- Tôi là một kẻ học trò, học thiển tài sơ, không có danh vị, cho nên không dám vào chầu.
Sứ giả về tâu, vua lại hỏi Tri Chương rằng:
- Lý Bạch không chịu vào bệ kiến, là ý thế nào?
Tri Chương tâu rằng:
- Khoa thi vừa rồi, Lý Bạch bị quan trường vất quyển đuổi ra. Nay mặc áo vải vào chầu có điều sợ hãi và xấu hổ. Xin Bệ hạ ban cho đặc ân gì, thì mới dám vào.
Tức thì, Vua phê cho Lý Bạch đỗ Tiến sĩ, và phái Hạ Tri Chương đem cờ, biển, áo, mũ, về nhà ban cho Lý Bạch, rồi đón vào bệ kiến.
Lý Bạch bèn áo mũ chỉnh tề, cưỡi ngựa cùng với Tri Chương vào chầu, làm lễ tạ ơn. Vua Minh Hoàng phán rằng:
- Có bức thư của vua Phiên, không ai hiểu được. Nay gọi nhà người vào, để giảng cho Trẫm.
Lý Bạch xem qua bức thư, rồi đến ngai vàng đọc rành mạch như sau này:
- Khả Độc nước Bột hải kính gửi Hoàng Đế nước Đại Đường.
Từ khi Trung quốc chiếm nước Cao ly, cùng với nước tôi tiếp giáp, thì quân đội quí quốc thường xâm phạm vào bờ cõi nước tôi, tôi bỏ qua đã nhiều lần, đến nay không thể chịu được nữa, mới phải gửi thư này. Hoàng Đế nên nhường lại cho tôi 176 thành của nước Cao ly, để tránh những sự xung đột nơi biên giới. Tôi sẽ chia cho Trung quốc một phần những sản vật sau này:
Nai núi Thái bạch, hải vị miền Nam hải, trống ở Bành thành, hươu sao ở Phù dư, lợn to ở Trịnh hiệt, ngựa tốt ở Xuất tân, tơ lụa ở Thứ châu, mắm cả ở Vị dà, mận đỏ ở cửu đô, lê trắng ở Lạc du. Nếu Hoàng Đế không ưng thuận, tôi sẽ phải khởi binh để cùng với quân Đường một phen thắng phụ.
Vua hỏi các quan đại thần rằng:
- Chúa Bột hải đòi đất Cao ly, ta phải đối phó thế nào?
Các quan đều im lặng Hạ Tri Chương tâu rằng:
- Việc ấy rất khó, xin Bệ hạ cứ hỏi Lý Bạch xem.
Vua bèn hỏi Lý Bạch, thì Lý Bạch tâu rằng:
- Xin Thánh thượng chở ngại. Mai, xin Bệ hạ cho triệu Sứ thần Bột hải vào chầu, hạ thần sẽ thảo tờ chiếu bằng chữ Phiên để làm cho Khả Độc phải khuất phục.
Vua hỏi:
- Khả Độc là thế nào?
Lý Bạch tâu:
- Khả Độc của Bột hải cũng như Khả Hãn của Hồi ngột, như Tán Phổ của Thổ phồn, như Hoàng Đế của ta vậy.
Vua thấy Lý Bạch ứng đối trôi chẩy rất mừng, phong cho làm Hàn lâm học sĩ và ban yến tại điện Kim loan. Vua vốn biết Lý Bạch thích rượu, nên truyền cho uống thật say rồi cho nghỉ ngay ở điện bên.
Sáng sớm hôm sau, Lý Bạch còn say, vua sai nội thị lấy bát yến nóng, rồi tự tay cầm ban cho Lý Bạch. Lý Bạch quỳ mà ăn, một lúc sau mới tỉnh.
Khi Phiên sứ vào chầu, Lý Bạch tay cầm phiên thư đứng bên ngai vàng mà đọc, không sai một chữ, rồi bảo Phiên sứ rằng:
- Trong bức thư này, Khả Độc có vẻ vô lễ, nhưng Hoàng Đế đại lượng, tha thứ cho và sẽ có chiếu đáp lại, ngươi phải đợi trước sân rồng.
Lúc ấy, bên long sàng, đã kê sẵn giường thất bảo, giải đệm gấm, có bầy nghiên ngọc, bút ngà, mực long yên, giấy kim hoa cho Lý Bạch ngồi thảo chiếu.
Lý Bạch tâu rằng:
- Giày của kẻ hạ thần dơ bẩm xin Bệ hạ ra ân cho cởi, để hạ thần đi chân lên điện.
Vua ưng cho, và sai nội thị cởi hộ. Lý Bạch lại tâu:
- Kẻ hạ thần muốn xin tâu thêm một điều, nhưng sợ vô lễ, Bệ hạ có rộng lượng tha thứ cho, kẻ hạ thần mới dám tâu.
Vua nói:
- Cho phép nhà ngươi cứ tâu; dù có lầm lỗi, trẫm cũng rộng dung cho.
Lý Bạch tâu:
- Khoa thi vừa rồi, kẻ hạ thần có bị quan chủ khảo Dương Quốc Trung vất quyển đi, quan giám thi Cao Lực Sĩ đuổi ra ngoài. Nay thấy hai người ấy, kẻ hạ thần nhở đến cái nhục trước, viết khó thành văn. Vậy dám xin Bệ hạ gia ân, truyền cho Dương Quốc Trung mài mực, Cao Lực Sĩ cởi giầy cho hạ thần, thì hạ thần thảo chiếu mới hay được.
Vua Minh Hoàng muốn cho được việc đành bắt Dương Quốc Trung mài mực, và Cao Lực Sĩ cởi giày cho Lý Bạch.
Bấy giờ Lý Bạch đắc chí, ngồi lên đệm gấm, thảo tờ chiếu, chỉ trong chớp mắt đà xong và đem trình ngự lãm. Vua thấy chiếu viết toàn bằng chữ Phiên như trong bức thư nhận được, trao cho các quan đại thần xem, rồi bắt sử giả quỳ trước ngai vàng để nghe Lý Bạch tuyên đọc.
Chiếu rằng:
“Đức Hoàng Bế hiệu Khai nguyên nhà Đại đường chiếu cho Khả Độc của Bột hải như sau này:
Thường nghe trứng không trọi được với đá, rắn không thể địch được với rồng. Như Thiên triều đây, theo mạnh trời mà trị thiên hạ, 9 châu đã định, 4 bể đã yên, đất rộng người nhiều, quân mạnh tướng giỏi: Chúa Hiệt Lỵ bội ước mà phải bắt, Tán Phổ kèn cựa sau cũng phải hàng, nước Tân la dâng bức chướng thêu, nước Thiên Trúc dâng con chim biết nói; nước Phật thuật tiến chó biết dắt ngựa, nước Ba tư biếu rắn bắt chuột; nước Kha lăng dâng vẹt trắng, nước Lâm ấp dâng ngọc dạ quang, nước Cốt lỵ cán dâng ngựa quý, toàn là tỏ cái lòng sợ uy phục đức, mà tránh được tai vạ, hưởng được yên vui. Đến như nước Cao ly chống lại, thì cơ nghiệp bị tan tành. Đó há chẳng phải là tấm gương soi sáng cho kẻ u mê ru? Nước ngươi vốn là một nước nhỏ, so với Trung quốc chưa bằng một quận, binh lực tài sản đều kém xa, nếu không biết phận mình, lại kiêu căng vô lễ, thì tránh sao khỏi cái vạ máu chảy thành sông, mà chịu chung số phận của Hiệt lỵ và Cao ly.
Nay Hoàng Đế rộng lượng để cho Khả Độc suy nghĩ mà tự sửa lỗi mình mới hòng tránh khỏi cái vạ mất nước và bị thiên hạ chê cười.
Nay Dụ”
Vua nghe đọc rất mừng, sai nội thị phong tờ chiếu lại rồi giao cho Phiên sứ.
Khi ra khỏi Ngọ môn, sứ thần mới hỏi Hạ Tri Chương rằng:
- Người thảo tờ chiểu là thế nào, mà quan Thái sư cũng phải mài mực, quan Thái úy phải cỡi giầy như vậy?
Hạ Tri Chương đáp:
- Đó là một vị Thần tiên xuống trần để giúp Đường triều nên Đại thần phải hầu hạ.
Phiên sứ về nước đưa trình tờ chiếu và thuật lại những chuyện đã qua; Khả Độc lấy làm kinh sợ mà chịu thần phục như trước.
Từ đấy, vua càng nễ vì Lý Bạch, muốn trao cho chức trọng quyền cao, vàng bạc, gấm vóc; Lý Bạch đều từ mà tâu rằng;
- Nếu Bệ hạ rộng thương thì xin cho kẻ hạ thần được ngày ngày cùng quan Hàn lâm Hạ Tri Chương uống rượu ngâm thơ, ngao du sơn thủy.
Vua Minh Hoàng biết Lý Bạch là người thanh cao, nên không cưỡng ép, thường thường ban yến và cho ngủ ngay ở trong điện.
Một hôm, Lý Bạch cưỡi ngựa đi chơi, gặp một toán lính, áp giải ra pháp trường một người tù ngồi trong xe, trạng mạo khác thường. Hỏi ra mới biết là một võ quan ở biên giới tên là Quách Tử Nghi. Lý Bạch nhận thấy Tử Nghi có tài thao lược, mà tin rằng về sau lập được công to, bèn xin quan giảm hình hãy tạm chờ, để phi ngựa về cung xin ân xá. Một lát sau Lý Bạch đã trở lại pháp trường tuyên đọc chỉ dụ của vua tha tội chết cho Quách Tử Nghi, cho về giữ chức cũ để lập công chuộc tội. Quách Tử Nghi ở trong xe tù bước ra, sụp lạy Lý Bạch để tạ ơn cứu mạng, rồi biệt về nhận chức cũ.
Mẫu đơn giang nam, cũng gọi mộc thược dược, là một thứ hoa quý, sắc đẹp, hương thơm, có tiếng là chúa các thứ hoa. Trong cung nhà Đường, có trồng được bốn màu, là đại hồng, thâm hồng, thiển hồng và thông bạch. Một hôm, cả bốn thứ đều nở hoa, vua rất vui vẻ, cùng với Dương Quý Phi ra đình Trầm hương thưởng ngoạn, có phường nhạc Lê viên của nhà vua tấu nhạc. Vua lại sai Lý Quy Niên, là quan trưởng phường nhạc, đi tìm Lý Bạch để đặt bài hát mới.
Quy Niên vừa đến một quán rượu đã thấy Lý Bạch quá say mà đương nghêu ngao hát mấy câu sau này:

Ba chén suốt đạo lớn,
Một đấu ngủ tự nhiên;
Chỉ lấy rượu làm thú,
Người tỉnh mấy ai truyền.


Nguyên tác:


Tam bôi thông đại đạo,
Nhất đẩu hợp tự nhiên;
Đãn đắc tửu trung thú,
Vật vị tỉnh giả truyền.


三 杯 逯 大 道
― 斗 合 自 然
但 将 酒 妒 趣
勿 爲 醒 者 傳


Quy Niên bèn nói với Lý Bạch rằng:
- Hoàng Thượng ngự ở đình Trầm hương đang đợi Học sĩ. Chính tôi phụng chỉ đi tìm Học sĩ đây.
Lý Bạch trừng mắt, đọc một câu thơ của Đào Uyên Minh như sau này:

Tôi say muốn ngủ, ông về trước.

Ngã dục túy miên, quân thả khứ,

Lý Bạch đọc xong lại ngủ. Quy Niên không sao được, phải gọi mấy người lính khiêng Lý Bạch đặt lên mình ngựa và đỡ Lý để đưa đến trước lầu Ngũ phượng. Vua Minh Hoàng biết vậy, sai nội thị ra truyền cho phép Lý Bạch được cưỡi ngựa vào Trầm hương đình, rồi nằm nghỉ trên một chiếc chiếu hoa ở góc đình cho tỉnh rượu. Lý Bạch lại ngủ, bọt sùi ra mép. Vua thân cầm khăn tay chùi cho Lý.
Quý Phi nhân tâu rằng:
- Thần thiếp nghe nói: những người say rượu, hễ vẩy nước lạnh vào mặt thì tỉnh rượu ngay.
Vua sai cung nữ vẩy nước lạnh vào mặt Lý Bạch. Lý bèn tỉnh rượu, thấy vua đứng trước mặt, sợ hãi, liền quỳ xuống tâu rằng:
- Kẻ hạ thần tội đáng chết, xin Bệ hạ rộng tha cho.
Vua đáp:
- Trẫm cùng Phi Tử thưởng hoa ở đây, muốn vời Khanh vào để làm mấy bài hát mới, phổ vào khúc nhạc.
Lý Bạch vâng mệnh, nhân sẵn bút mực, thảo ngay 3 bài Thanh bình điệu sau này:

Bài I

Xiêm áo như mây, mặt tựa hoa,
Hương nồng bên triện gió xuân qua;
Ví không gặp gỡ đầu non ngọc,
Âu cũng đài Dao dưới bóng nga.


Nguyên tác:

Vân tưởng y thường hoa tưởng dung,
Xuân phong phất hạm lộ hoa nùng;
Nhược phi quần ngọc sơn đầu hiện,
Hội hướng Dao đài nguyệt hạ phùng.


當 想 衣 裳 冰 想 容
春 風 择 裡 露 等 濃
若 非 屢 玉 山 頭 見
會 向 瑤 臺 月 下 逢

Bài II

Một cành tươi tốt đượm màu hương,
Giấc mộng mây mưa uổng vấn vương;
Ướm hỏi Hán cung ai sánh kịp,
Phấn son Phi Yến cũng xin nhường.


Nguyên tác:

Nhất chi nùng diệm lộ ngưng hương,
Vân vũ Vu sơn uổng đoạn trường;
Tá vấn Hán cung thùy đắc tự,
Khả lân Phi Yến ỷ tân trang.


一 技 濃 絶 落 救 香
當 雨 瓜 山 牡 斷 腸
借 問 漢 宮 誰 得 桩
可 憐 飛 燕 倚 斯 桩

Bài III

Danh hoa khuynh quốc vẻ đua tươi,
Nên được Quân Vương ngắm lại cười;
Rũ sạch gió đông bao nỗi giận,
Đình Trầm đang lúc tựa lan chơi.


Nguyên tác:

Danh hoa khuynh quốc lưỡng tương hoan,
Dương đắc Quân Vương đới tiễu khan;
Giải thích xuân phong vô hạn hận,
Trầm hương đình bắc ỷ lan can.

名 花 頌 国 兩 相 歡
當 得 君 王 帝 笑 看
解 釋 春 風 無 恨 恨
兄 香 亭 托 倚 擱 扦


Vua xem thơ, khen là hay lắm, rồi trao cho Quy Niên lựa nhịp mà hát. Quý Phi cũng vừa ý, đứng dậy lạy vua để tạ ơn. Vua nói:
- Không phải tạ Trẫm đâu, nên tạ quan Học sĩ.
Quý Phi bèn lấy rượu bồ đào, rót vào chén ngọc, sai cung nữ ban cho Lý Bạch.
Từ đấy, trong cung có yến tiệc nào, Lý Bạch cũng được vời. Quý Phi cũng kính trọng lắm.
Một hôm, Quý Phi đứng xem hoa ở đình Trầm hương ngâm ba bài Thanh bình điệu của Lý Bạch mà khen ngợi. Cao Lực Sĩ nghe thấy, muốn trả thù Lý Bạch, tâu với Quí Phi rằng:
- Chúng tôi xem ý Nương nương lấy làm thích mấy bài thơ ấy, chứ không oán giận Lý Bạch,
Quý Phi hỏi:
- Có gì mà oán giận?
Đáng giận vì câu “Phấn son Phi Yến cũng xin nhường”. Xưa Phi Yến là Hoàng hậu của vua Hán Thành Đế, có tư thông với Yên Xích Phượng, vua Thành Đế bắt gặp Xích Phượng ở trong cung, bèn giết đi. Vậy đem Nương nương mà ví với Phi Yến, thì tức là chê bai chứ không phải là ca tụng. Xin Nương nương nghĩ kỹ.
Nguyên Quý Phi bấy giờ đương tư thông với An Lộc Sơn, nghe nói thế chột ý, mà sinh ra giận Lý Bạch. Từ đấy, nàng thường nói với vua rằng Lý Bạch vô lễ, cho nên vua cũng không vời Lý Bạch nữa.
Lý Bạch thấy vậy, biết rằng bị Lực Sĩ dèm pha, bèn xin cáo về, nhưng vua không cho. Ông lại càng hay say sưa với 7 ông bạn rượu là: Hạ Tri Chương, Lý Thích Chi, Nhữ Dương Liễn, Thôi Tôn Chi, Tô Tấn, Trương Húc, Tiêu Thoại. Người ta thường gọi là 8 ông tiên rượu.
Một hôm, vua Minh Hoàng bảo Lý Bạch rằng:
- Khanh có trí u nhã, Trẫm cũng chiều ý mà cho cáo về. Nếu cần thứ gì, Trẫm sẽ ban cho.
Lý Bạch tâu rằng:
- Muôn tâu Bệ Hạ, kẻ hạ thần chỉ xin được lúc nào cũng đủ tiền nống rượu.
Vua bèn ban cho một cái thẻ bài bằng vàng, có mấy chữ sau này: “Lý Bạch đến đâu, cần tiền rượu thì được phép vào kho đấy mà lĩnh”. Vua còn ban thêm 1 nghìn lạng vàng, 1 áo gấm, 1 đai ngọc, 1 con ngựa bạch, 1 yên nạm vàng và 20 người lính hầu, lại thân cầm 3 đóa hoa bằng vàng giắt vào mũ Lý Bạch và thân gót 3 chén rượu tiễn chân. Lý Bạch dập đầu lạy tạ, từ biệt ra đi. Các quan trong triều đều đi tiễn, chỉ có Dương Quốc Trung và Cao Lực Sĩ là vắng mặt; các ông bạn rượu đưa chân đến một trăm dặm và uống rượu với Lý Bạch suốt ba ngày rồi mới trở về.
Lý Bạch mặc áo gấm hồng, đội mũ sa đen, cưỡi con ngựa trắng của Vua ban, cùng với 20 người lính trở lại quê nhà ở Tứ Xuyên. Tiền uống rượu trong lúc đi đường, đều lấy ở những kho địa phương để trả.
Về tới Cẩm châu, thì phu nhân là Hứa thị cùng với các quan sở tại ra đón rước.
Vui cảnh gia đình được độ nửa năm Lý Bạch lại từ biệt phu nhân để ngao du sơn thủy. Ông ăn mặc như một người học trò, dấu kim bài của Vua ban, cưỡi một con lừa, có một tiễu đồng theo sau. Một hôm, đi đến huyện Hoa âm, nghe nói quan huyện là một người tham nhũng, muốn gặp xem sao; ông bèn cưỡi lừa đến thẳng công đường, qua qua lại lại mấy lượt. Quan huyện trông thấy cho lính bắt vào hỏi, thì Lý Bạch chẳng nói gì, cho nên quan huyện sai giam, rồi ủy người lấy cung. Lý Bạch khai rằng:
- Tôi là Lý Bạch quê ở Cẩm châu, văn chương nhất đời quỷ thần kinh sợ. Hội Bát tiên chốn Trường an, dịch Phiên thư nơi đế điện. Xe Ngọc liễu có khi đón rước, điện Kim loan thường vẫn ngủ đêm. Đã từng được vua quấy yến cho ăn, được vua lấy khăn lau miệng, Cao Thái Úy chụt giầy, Dương Thái Sư mài mực. Vào cung đã được cưỡi ngựa, qua huyện sao phải xuống lừa. Muốn biết lai lịch ta đây, xem thử kim bài sẽ rõ.
Người lấy cung, mới đọc qua, sợ hãi quỳ lạy xin tha lỗi, Lý Bạch nói rằng:
- Không việc gì đến ngươi. Cứ về hỏi quan huyện rằng: Ta phụng kim bài đi chơi, có phạm tội gì mà bắt?
Người lấy cung vào bẩm, quan huyện cả sợ vội vàng đến sụp lạy mà xin tha lỗi.
Lý Bạch mắng rằng:
- Ngươi làm quan, đã có tước lộc của Thánh Thượng, sao lại còn tham nhũng?
Rồi đưa kim bài ra nói tiếp:
- Cứ theo bài này, thì các ngươi đều phải tội cả.
Mọi người đều van lạy xin tha Lý Bạch hỏi rằng:
- Thôi, lần này tha cho. Nếu không biết sửa mình, sau sẽ trị tội.
Mọi người đều tạ ơn và xin vâng mệnh.
Tin ấy đồn khắp mọi nơi, ai cũng cho rằng Lý Bạch được mật phái đi thanh tra, cho nên quan nha đều bỏ cả thói tham nhũng.
Mấy năm sau, An Lộc Sơn nổi loạn, Vua Minh Hoàng phải chạy vào Thục. Ba quân hộ vệ, trong khi đi đường, bắt giết Dương Quốc Trung và ép Dương Quý Phi phải thắt cổ chết trong một ngôi chùa.
Bấy giờ một vị hoàng thân là Vĩnh Vương Lân đem quân đánh lấy Tràng an, lên ngôi Hoàng đế, nghe nói Lý Bạch trốn ở núi Lư sơn, triệu Lý Bạch về ép phải giúp sức. Sau con trưởng vua Minh Hoàng là Túc Tôn nối ngôi cha, sai Quách Tử Nghi đi đánh Vĩnh Vương Lân, Vĩnh Vương thua rồi tự tử, còn Lý Bạch chạy trốn đến bến Tầm dương thì bị bắt và đem nộp Quách Tử Nghi, Tử Nghi trông thấy vội vàng cỡi trói, mời ngồi, rồi sụp lạy mà nói rằng:
- Xưa nhờ ân nhân cứu mạng cho cho nên mới có ngày nay. Tôi xin hết sức để báo đền ơn trước.
Nói xong, làm tiệc khoản đãi rồi thảo tờ sớ xin vua Túc Tôn tha tội cho Lý Bạch.
Khi ấy, hai Kinh đã khôi phục, Vua Túc Tôn mới rước vua Minh Hoàng ở Thục về, và tôn là Thái Thượng Hoàng, vừa tiếp được sớ của Quách Tử Nghi. Vua Minh Hoàng bảo vua Túc Tôn rằng.
- Lý Thải Bạch là bậc thiên tài, nếu không dùng thì thật là phí lắm.
Túc Tôn bèn cho Lý Bạch làm Tả thập di nhưng Lý Bạch cố từ.
Sau đó ít lâu, Lý Bạch từ biệt Quách Tử Nghi, ngày ngày đủng đỉnh con thuyền, uống rượu ngâm thơ ở những nơi thắng cảnh. Một đêm, thuyền đậu ở bến Thải thạch, thuộc Kim lăng, trăng sáng vằng vặc, Lý Bạch ngồi trên mũi thuyền, uống rượu thật say, trông thấy bóng mặt trăng ở dưới sòng, nhẩy xuổng để ôm lấy mà chết. Tục truyền rằng: Lúc ấy trên trời có tiếng đàn địch vang dậy, dưới sông có cá kình nổi lên, Lý Bạch cưỡi cá mà ra bể.
Người đời hâm mộ, lập đền ở bến Thái thạch mà thờ, gọi là đền Lý Trích Tiên.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Điển Tích

Postby bevanng » 19 Apr 2022


MẠNH QUANG


Tình Sử


Thị Kính

Án kia nâng ở ngang mày.
Sạch trong một tiết, thảo ngay một bề.


Nhị Độ Mai

Ngang mày Mạnh thị chưa nâng án
Khuất mặt Chiêu Quân đã mạc tranh.


Triều vua Hán Minh Đế (Dương lịch: 58-76), có một người tên là Lương Hồng, ở đất Bình lăng, tên chữ là Bá Loan, thông minh và học rộng, không sách gì là không biết. Nhà có nuôi một đàn dê, vì nghèo nên hễ đi học về, lại chăn giắt.
Một hôm, nhà bị phát hỏa, cháy lan sang cả một nhà hàng xóm, Lương Hồng tự phàn nàn rằng đã làm hại người ta, rồi sang hỏi thăm. Người láng giềng nói rằng bị hại nhiều lắm. Lương Hồng xin đưa cả đàn dê để đền. Người láng giềng cũng không bằng lòng. Chàng nói:
- Cả gia tài tôi chỉ có một đàn dê thôi. Nếu không đủ, thì tôi xin ở hầu hạ ông để đền sự thiệt hại.
Người láng giềng ưng thuận. Từ đấy Lương Hồng yên phận là một người đầy tớ, hầu hạ rất cẩn thận siêng năng.
Có người cũng ở gần đấy, thấy Lương Hồng trạng mạo khác thường mà đến nỗi thế, bèn trách người láng giềng kia là tệ, mà khen Lương Hồng là hiền.
Người láng giềng bèn trả lại đàn dê cho Lương Hồng và thôi không để cho ở nữa, nhưng chàng không chia nhận dê, rồi từ giã ra đi.
Bấy giờ có người con gái cùng huyện, tên là Mạnh Quang, khỏe mạnh, đã ba mươi tuổi mà chưa chịu lấy chồng. Bố mẹ hỏi tại sao, thì nàng thưa rằng:
- Hễ được người như Lương Bá Loan mới lấy.
Lương Hồng nghe thấy, bèn đến hỏi Mạnh Quang làm vợ. Khi thấy vợ mặc đồ lụa là, thì không bằng lòng, bảy ngày không nói một câu gì. Vợ hỏi cớ sao, chàng nói:
- Tôi muốn được một người ăn mặc sơ sài, để cùng tôi ở chốn thâm sơn, mà nàng lại có vẻ sa hoa, thì tôi không lấy làm mãn nguyện.
Vợ liền đổi cách ăn mặc; chồng thấy thế mừng mà nói rằng:
- Thật là vợ Lương Hồng.
Cách đó ít lâu, Vua nghe tiếng Lương Hồng là người hiền lành và học thức, vời cho làm quan. Lương Hồng xin từ, rồi cùng vợ sang đất Tề, đất Lỗ, ở nhà bạn, tên là Bá Thông. Mỗi khi vợ đưa cho chồng cái gì, tất phải “tay nâng ngang mày” (cử án tề my). Bá Thông thấy vậy, bảo rằng: “Lương Hồng khiến được vợ kính trọng như thế không phải người thường”.
Sau, hai vợ chồng đưa nhau vào ở núi Hoa âm.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Điển Tích

Postby bevanng » 20 Apr 2022

Từ Thứ quy Tào


Điển tích:


Từ Thứ có tên tự là Nguyên Trực, người quận Dĩnh Xuyên là một nhân vật có lịch sử thời Tam Quốc ở Trung Hoa.
Thời trẻ ông có học kiếm thuật và nghiên cứu binh pháp, kết bạn với Gia Cát Lượng và Bàng Thống rồi sau đó làm mưu sĩ giúp cho Lưu Bị dựng cơ nghiệp khôi phục nhà Hán khi đất nước Trung Hoa dần hình thành thế chân vạc 3 nước kiềm chế lẫn nhau. Lưu Bị lúc đó còn yếu thế đang nương nhờ Châu mục Kinh châu là Lưu Biểu.
Năm 208, Tào Tháo mang đại quân xuống đánh Kinh châu. Lưu Biểu qua đời, con là Lưu Tông đầu hàng Tào Tháo. Lưu Bị mang dân sơ tán, bị Tào Tháo đánh bại ở Đương Dương Trường Bản. Gia quyến Lưu Bị và mẹ Từ Thứ tên là Từ Trắc cũng bị bắt tại đây. Tào Tháo nhờ mẹ Từ Thứ viết thư chiêu dụ con về phía mình. Từ Thứ nhận được thư mẹ bèn từ biệt Lưu Bị sang phục vụ Tào Tháo.
Trước khi sang Tào, Từ Thứ có tiến cử với Lưu Bị hai nhân vật “lỗi lạc” hơn mình là Gia Cát Lượng và Bàng Thống để làm an lòng Lưu Bị và hứa khi qua Tào sẽ không có những đóng góp gì cho Chúa mới!
Từ khi sang Tào, Từ Thứ không đóng góp gì đáng kể cho họ Tào. Năm 220, Tào Tháo qua đời, Tào Phi lên thay, cướp ngôi Hán Hiến Đế lập ra nhà Tào Ngụy. Từ Thứ được bổ nhiệm là Hữu trung lang tướng và Ngự sử trung thừa.
Sau đó Từ Thứ lâm bệnh mất, không rõ năm nào. Ông hoạt động khoảng 40 năm từ cuối thời Đông Hán đến đầu thời Tam Quốc.

Lúc đầu Từ Thứ do có tội bỏ trốn nên lấy tên giả là Đan Phúc, đi theo phò tá Lưu Bị. Ông đã hiến kế cho Lưu Bị đánh bại tướng của Tào Tháo là Tào Nhân, đánh úp chiếm Phàn Thành. Tào Tháo lập mưu bắt mẹ Từ Thứ, dù Từ mẫu không đồng ý cộng tác nhưng Tào Tháo dùng mưu kế của Trình Dục, bắt chước nét chữ của bà để viết thư dụ Từ Thứ.
Từ Thứ tưởng là thư của mẹ gửi nên đành từ biệt Lưu Bị ra đi. Ông nói hết tên tuổi thật của mình và tiến cử Gia Cát Lượng với Lưu Bị, sau đó đi Hứa Xương. Tam Quốc diễn nghĩa tường thuật việc này trước khi xảy ra trận Đương Dương Tràng Bản mà chính sử nêu. Mẹ Từ Thứ khi thấy con trai đến thì rất tức giận, chửi mắng ông rồi tự vẫn. Từ Thứ biết mình bị lừa, nguyện suốt đời không giúp kế gì cho Tào Tháo.
Vụ việc này được gọi là điển tích "Từ Thứ quy Tào". Sự thực La Quán Trung đã hư cấu 2 tình tiết: Gia Cát Lượng đến với Lưu Bị khi Từ Thứ vẫn chưa sang Tào và mẹ Từ Thứ tự nguyện viết thư cho ông, không cự tuyệt Tào Tháo; thời gian xảy ra việc này sau trận Đương Dương Tràng Bản năm 208.
Tuy nhiên việc Từ Thứ không phục Tào Tháo, không hiến kế gì cho ông ta thì là thật, bởi sau khi sang Ngụy ông không có hoạt động gì nổi bật. Từ Thứ còn xuất hiện một lần nữa trước Trận Xích Bích. Ông biết được Bàng Thống bày kế liên hoàn để lừa Tào Tháo, nhưng ông nhớ lời hứa với Lưu Bị mà không tiết lộ cho Tào Tháo, mà lại theo kế của Bàng Thống bày cho, giả vờ xin Tào Tháo cho về lại phương Bắc để giữ hậu phương. Nhờ đó ông thoát khỏi trận chiến Xích Bích, nơi số lớn quân Tào bị tiêu diệt.

Họa bài – Từ Thứ Quy Tào

Như mình sức ngỡ tựa như voi,
Thất thế sa cơ giống lũ mòi.
Cơm Hán dẫu khô nhưng dễ nuốt,
Lộc Tào chất đống vẫn thân còi.
Buồn trông xứ cũ buồn rơi lệ,
Ngớ ngẩn thành nay chán múa roi
Thờ Ngụy, lòng còn nơi đất Hán,
Hồn nay chao đảo ngỡ con thoi.


Hai bài thơ sau đây thuộc xướng họa trong loạt “bút chiến” giữa hai nhân vật trong lịch sử cận đại Việt Nam là Tôn Thọ Tường theo cộng tác với Pháp và Phan Văn Trị chống lại sự xâm lược của Pháp vào thế kỷ XIX.
Tôn Thọ Tường mượn hình ảnh Từ Thứ thời Tam Quốc bên Trung Hoa để giải bày nỗi lòng của mình mặc dù bị ép buộc về với Tào Tháo nhưng lúc nào cũng nghĩ đến Lưu Bị, về Tào nhưng Từ Thứ vẫn bất hợp tác với Tào…

Từ Thứ quy Tào – Tôn Thọ Tường

Thảo đâu dám sánh kẻ cày voi,(*)
Muối xát lòng ai, nấy mặn mòi.
Ở Hán hãy còn nhiều cột cả,
Về Tào chi sá một cây còi !
Bâng khuâng nhớ mẹ khôn nâng chén,
Bịn rịn trông vua biếng giở roi.
Chẳng đặng khôn Lưu đành dại Ngụy,
Thân này xin gác ngoại vòng thoi!


(*) Vua Thuấn đi cày bằng voi


Từ Thứ quy Tào – Phan Văn Trị

Quá bị trên đầu nhát búa voi,
Kinh luân đâu nữa để khoe mòi.
Xăn văn ruổi Ngụy mây ùn đám,
Dáo dác xa Lưu, gió thổi còi.
Đất Hứa nhớ thân sa giọt tủi,(*)
Thành Tương mến chúa nhẹ tay roi!
Về Tào miệng ngậm như bình kín,
Trân trọng lời vàng đáng mấy thoi ?


(*) Đất Hứa : tỉnh Hứa Xương
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Điển Tích

Postby bevanng » 20 Apr 2022

Lã Bất Vi

Tây Hán Chí

Lục Vân Tiên

Hay là học thói nước Tần,
Bất Vi gả vợ, Dị Nhân lấy nhầm.


Cuối đời Chiến quốc, các nước thôn tính nhau, đến sau chỉ còn bảy nước là: Tề, Yên, Sở, Hàn, Triệu, Ngụy và Tần.
Trong bảy nước, duy có nước Tần là cường thịnh hơn cả.
Năm Triệu Huệ Vương thứ sáu, Vua Tần Chiêu Vương sai hai đại tướng là Vương Sĩ, Vương Liễn cùng Hoàng Tôn tên là Dị Nhân (cháu nội vua Tần Chiêu Vương, con Thái Tử) làm nguyên súy và đem mười vạn quân sang đánh Triệu.
Đến nơi, quân Tần đóng ở Chương Hà, quân Triệu ra nghinh địch. Ngay ở trận đầu, tướng Triệu là Liêm Pha đã đánh quân Tần rất dữ dội. Quân Tần thua to, Hoàng tôn Dị Nhân bị bắt.
Liêm Pha đem Dị Nhân về nộp vua Triệu và được trọng thưởng.
Quần thần tâu vua xin giết Dị Nhân. Quan đại phu là Lạn Tương Như can rằng:
- Nếu giết thì nước Triệu nguy, vì Tần cường đem quân đánh báo thù, Triệu không thể địch nổi. Chi bằng cứ để Dị Nhân đây làm con tin, nuôi nấng tử tế, để mạnh khỏe, thì Tần không dám động đến Triệu nữa.
Triệu vương nghe nói, cả mừng, bèn giao Dị Nhân cho Công Tôn Càn đem về nuôi nấng tử tế, phí tổn bao nhiêu lấy ở công khố, nhưng phải giữ cho cẩn thận.
Công Tôn Càn vâng mạnh đưa về. Nửa đường gặp Lã Bất Vi, là người phú thương ở Hàm đan, rất giầu có, và sành nghề xem tướng. Trông thấy Dị Nhân, Bất Vi cho là tướng rất quý, thật là nhất thống thái bình Thiên tử. Tức thì về nhà, hỏi bố:
- Thưa cha, làm ruộng thì lợi bao nhiêu?
Bố nói:
- Lợi gấp mười.
- Đi buôn như thế này, thì lợi bao nhiêu?
- Lợi gấp trăm.
Lại hỏi:
- Lập một ông vua, định một nước lớn, lợi bao nhiêu?
- Lợi vô kể.
Bất Vi nói với bố:
- Nay có cháu vua Tần bị bắt, hiện bị giam ở đây, con xem tướng người ấy rất quý, định dùng cả gia tài để đi lại với các quan, rồi lập mưu đem người ấy về nước Tần, để người ấy sau được nối ngôi thì thật là lợi vô cùng.
Bố nói:
- Việc ấy không dễ đâu, nếu thành thì vương hầu cầm chắc, mà không thành, thì là cách phá gia diệt tộc vậy.
Bất Vi nói:
- Cha đừng ngại, con đã xem tướng chắc rồi, người ấy về sau này, thế nào cũng làm vua một nước lớn.
Bèn đem hai lạng vàng, và các thứ khác biếu người bạn tên là Lý Mặc, vốn thường đi lại quen biết Công Tôn Càn.
Bất Vi nói:
- Tiểu đệ mới đi buôn về, nhờ trời cũng được phát đạt, hiện nay nhà cũng có nhiều tiền của, những kẻ gian phi thường dòm ngó, nhờ đại huynh đưa vào chỗ Công Tôn đại nhân, giới thiệu cho, để được đi lại ra vào, gọi là dựa cửa quyền môn, để tránh sự trộm cướp.
Bất Vi lại đem mười lạng vàng và một đôi ngọc bích để làm lễ yết kiến, cùng với Lý Mặc, đến nhà Công Tôn Càn. Hai người đều nói sự tình như thế.
Công Tôn Càn cả mừng. Từ đấy Bất Vi đi lại, ra vào, trước thì như người nhà, sau vì hết lòng cung đốn, thành ra một người bạn thân Công Tôn Càn.
Một hôm, Bất Vi đến, Tôn Càn đi vắng, gặp được Dị Nhân, bèn cùng ngồi nói chuyện. Bất Vi nói:
- Ông dòng dõi Đế Vương, đành chịu khổ mà chết già ở đây hay sao?
Dị Nhân nói:
- Số phận như vậy, biết làm thế nào?
Bất Vi nói:
- Tôi trông thấy ông cũng thương tình, muốn cho ông phú quý; nếu được thế, tôi cũng có phận nhờ.
Dị Nhân nghe nói, hiểu ý mà rằng:
- Đã phải như thế này, còn hy vọng gì nữa?
Nhân tiện Bất Vi nói:
- Tôi nghe vua Tần đã già lắm, không bao lâu nữa sẽ tạ thế, thì tất Thái Tử (bố Dị Nhân) lên nối ngôi, mà lại lập người đích làm Thái tử. Ông là con thứ hai mươi mấy mà lại ở xa, thì không phần nào mà trông mong được. Nhưng tôi bầy cho ông một kế, họa may có được chăng.
Dị Nhân hỏi:
- Kế thế nào?
Bất Vi nói:
- Nghe nói Dương Hoa Phu nhân tuy là Thứ phi, nhưng được Thái tử yêu quý, nói gì cũng nghe, mà lại không có con, ông nên xin làm con Phu nhân. Về sau phu nhân muốn làm Thái hậu, thì xin với Thái tử lập ông là đích. Như thế thì ông có phần hy vọng, nhưng ông phải tỏ lòng có hiếu nghĩa với phu nhân mới được. Nay tôi định giùm ông, sang bên nước Tần, tìm đến chỗ Phu nhân lo liệu kế ấy, xong rồi lại tìm kế đưa ông về nước. Nhưng ông phải kín, đừng lộ ra với ai. Như thì ông định thế nào?
Dị Nhân nghe nói như cởi tấm lòng, bèn tạ mà rằng:
- Nếu thế là cải tử hoàn sinh cho tôi, tôi thiết tưởng ở đây cho đến già, người ta cũng không cho về, còn dám mong sự gì nữa. Nếu về sau được như lời ngài nói thì phú quý của tôi là phú quý của ngài vậy.
Bất Vi đưa cho Dị Nhân năm trăm lạng để tiêu dùng, lại bỏ ra nghìn lạng vàng đi mua các đồ châu báu để đi sang nước Tần. Hôm sau, đến từ giã Công Tôn Càn, nói dối là đem hàng đi ngoại quốc.
Công Tôn Càn đặt tiệc tiễn biệt và ân cần chúc cho chóng về.
Quan sơn nghìn dặm, Bất Vi đi một tháng, mới đến Hàm dương (kinh đô Tần), thì thấy phố phường đô hội, nhà cửa lâu đài, sơn thanh thủy tú, phong cảnh đẹp như chốn thần tiên vậy.
Mới đến, Bất Vi tìm đến nhà Hoàng di (em gái phu nhân), đưa vào năm mươi lạng vàng và các thứ trà quả, nói là người tâm phúc của Hoàng tôn Dị Nhân ở nước Triệu vào chào Hoàng di và Hoàng trượng.
Hoàng di cả mừng, cho mời vào và hỏi thăm Hoàng tôn rồi nói:
- Lễ này tuy Hoàng tôn gửi, nhưng đường xa, nhờ có Túc hạ nên mới đưa về được.
Bất Vi nói:
- Hoàng tôn ở Triệu, thường tưởng nhớ Điện hạ và Phu nhân, phiền nỗi làm tù, không được về ở gần để hầu hạ. Nay có gửi các vàng bạc châu báu và một bức thư chúc thọ, nhờ Hoàng di chuyển vào cho.
Bất Vi lại nói:
- Tiểu nhân tên là La Bất Vi, ở ngay bên chỗ Hoàng tôn ở, đêm ngày thường trò chuyện; chúng tôi thấy Hoàng tôn là người nhân hiếu, không từ nghìn dặm mà về đây, cốt đem những lời tâm phúc của Hoàng tôn đã nói với chúng tôi, thuật lại để Hoàng di biết.
- Lời tâm phúc thế nào?
- Các Hoàng tôn đều có thân mẫu, duy có Dị Nhân là không có, mà Dương Hoa Phu nhân lại không có con, thì thế nào về sau, Dị Nhân cũng phải là con Phu nhân, nếu thế thì Phu nhân nên săn sóc đến Dị Nhân, mà xin với Điện hạ lập làm đích; nếu sau Dị Nhân được nối ngôi, thời Phu nhân được có tên vào Thái miếu, đường đường một vị Thái hậu vậy. Sở dĩ Điện hạ hay tin nghe Phu nhân, là vì có nhan sắc lộng lẫy, nhân lúc này mà nói thì dễ, nếu để đến lúc sắc kém mới nói, tất là khó được. Vậy xin Hoàng di đem những lời ấy nói cho Phu nhân nghe.
Lập tức, Hoàng di đưa Bất Vi cùng vàng ngọc, các lễ vào ra mắt Phu nhân.
Bất Vi vào quỳ và dâng bức thư, cùng đồ vàng ngọc.
Phu nhân cho ngồi, hỏi thăm Dị Nhân ở Triệu và nói rằng:
- Hiện nay Điện hạ không có đây, hãy tạm về nhà trọ. Lúc nào Điện hạ đến, sẽ cho ra gọi.
Sau khi Bất Vi đã lui, Hoàng di nói hết tất cả những chuyện ấy cho Phu nhân nghe. Chị em bàn bạc, cho là Bất Vi nói phải; nếu được như thế, không những chị em được vẻ vang mày mặt mà lại rạng nên tổ tông. Bởi vậy Hoàng di cố thúc Phu nhân nói cho được.
Khi Thái tử về cung, Phu nhân cùng Hoàng di ra đón.
Phu nhân nói:
- Hoàng di có đưa tên Lã Bất Vi đem bức thư và các lễ này của Dị Nhân gửi về, thiếp đã cho ra ngoài để chờ điện hạ.
Thái tử mở thư xem, thương Dị Nhân mà khóc, rồi lại đưa thư ấy cho Phu nhân xem.
Phu nhân tiện dịp nói luôn:
- Cứ xem thư này, đủ biết Dị Nhân có hiếu nghĩa. Thiếp nhờ số tốt, được vào hầu Điện hạ, lại được Điện hạ có lòng thương, không biết lấy gì báo đáp. Không may lại không con, cô thân ở trong cung, nay Dị Nhân là người có hiếu nghĩa, tình nguyện xin làm con, thế là mọi sự hay, xin Điện hạ ưng cho. Nhưng riêng thiếp, thiếp muốn xin một điều, Điện hạ có cho mới dám nói.
Thái tử hỏi:
- Điều gì?
Phu nhân thưa:
- Điện hạ đã có lòng cho Dị Nhân làm con thiếp, thì phải nghĩ cách vững vàng, nếu không Điện hạ trăm tuổi, về sau, Dị Nhân có một mình, lại là con nuôi, không bảo hộ được chu toàn, bấy giờ thiếp tất phải xuất cung mà tha phương lưu lạc.
Nói rồi liền khóc.
Thái tử khuyên giải:
- Phu nhân đừng lo, để tôi liệu cách.
Phu nhân nói:
- Điện hạ chẳng phải liệu cách gì, chỉ vin lấy công Dị Nhân làm con tin ở Triệu, mà lập làm đích, thì thiếp được chu toàn mãn đại.
Thái Tử nghĩ một lúc, rồi gật đầu, lại nói:
- Hiệu nay Dị Nhân ở Triệu, không biết bao giờ về được, thì làm thế nào?
Phu nhân nói:
- Điện hạ cứ cho hỏi Lã Bất Vi xem có kế gì để cho Dị Nhân về nước. Nếu Điện hạ đã có lòng cho thiếp như thế, xin mấy chữ làm tin, không thì sợ về sau, nhiều người nói đi, nói lại.
Thái tử liền phê cho rằng: “Nếu Dị Nhân được về nước, xét công đánh dẹp lao khổ, sẽ lập cho là đích.”
Thái tử cho gọi Bất Vi vào hỏi các sự và nếu có thể đưa Dị Nhân về được, thì sẽ tâu Phụ Vương trọng thưởng.
Bất Vi xin nhận, từ giã ra đi để sắm sửa về Triệu.
Khi Bất Vi về đến nhà, nói tất cả các việc cho bố nghe, rồi lại vào thăm người tiểu thiếp là Chu thị mà nói rằng:
- Tôi đi vắng mấy tháng nay, chắc nàng ở nhà đã có tư tình với ai chăng?
Chu thị nói:
- Thiếp cùng chàng ân tình rất nặng, có đâu lại tư tình với ai. Hiện nay thiếp đã có thai mấy tháng.
Bất Vi lại hỏi:
- Nàng muốn làm vợ một người nhà giàu, hay là vợ một ông vua?
Chu thị ngạc nhiên hỏi:
- Sao chàng lại hỏi câu ấy?
Bất Vi nói:
- Nay có con vua nước Tần hiện bị giam ở đây, tôi định lập kế đưa về nước, người ấy về sau thế nào cũng được nối ngôi vua. Nhưng trước khi đi, tôi mở một tiệc, mời người ấy lại, trong khi dự tiệc, nàng phải ra chuốc rượu, tôi sẽ lảng đi một chốc, trong lúc ấy, nàng phải thu ba tống tình. Nếu người ấy yêu nàng, thì tôi bằng lòng cho nàng theo sang Tần, mà kết duyên cầm sắt. Nếu sau người ấy được làm vua, thì tất nàng là Hoàng hậu. Sau nàng sinh con trai, thì con lại làm vua, mà nàng lại làm Hoàng thái hậu. Như thế, thì chẳng thích lắm ru?
Chu thị cười mà nói:
- Chàng làm quanh, không phải lẽ.
Bất Vi nỏi:
- Không phải làm quanh, nàng đi lấy chồng, cứ theo lời chồng thì mới phải.
Chu thị nói:
- Chàng đã quyết chí như vậy, thì thiếp cũng phải đành lòng tuân theo, nhưng sau này xin đừng ân hận.
Hôm sau, Bất Vi đem những đũa vàng chén ngọc và các vật quý đưa sang Công Tôn Càn, trình rằng:
- Chúng tôi mới ở xa về, gọi là có chút để dâng.
Tôn Càn thấy thế, cả mừng nói:
- Ông đi xa, lao khổ, đem được những vật này về cho, anh em tình nghĩa thật là ít có.
- Nhân lúc Tôn Càn phải đi chầu, Bất Vi nói tất cả những sự ở bên Tần cho Dị Nhân nghe.
Dị Nhân cả mừng nói:
- Ơn ông như trời bể, biết trả thế nào cho xứng đáng?
Cách mấy hôm sau, Bất Vi mở tiệc, cho mời Công Tôn Càn và Dị Nhân sang.
Hai người cùng đến, Tôn Càn nói:
- Hoàng thượng cho vời, không biết có việc gì, hai ông cứ vào tiệc, tôi sẽ đến sau.
Trong khi uống rượu, Bất Vi cho gọi Chu thị ra mời rượu Dị Nhân, rồi lảng đi ra ngoài.
Chu thị nói với Dị Nhân rằng:
- Lã đại nhân có tình thân thiết với Hoàng tôn, nên cho thiếp ra mời rượu; vậy xin Hoàng tôn vì thiếp mà uống, để Lã đại nhân vui lòng.
Dị Nhân thấy nhan sắc Chu thị như Hằng Nga trong cung Quế, Tiên tử chốn Dao trì, tức thì say mê mà buông lời bỡn cợt.
Chợt đâu Bất Vi ở ngoài vào, thấy vậy, liền quở trách cả hai người một cách tàn nhẫn.
Chu thị nói:
- Thiếp vâng lời Đại nhân mà ra mời rượu Hoàng tôn, thật là không dám có ý tứ gì, chỉ vì Hoàng tôn nhân say, mà thất lễ, vậy xin Đại nhân tha thứ cho, nếu không sẽ tự vẫn để tỏ lòng trinh bạch.
Bất Vi nói:
- Nếu vậy chẳng qua là thiên duyên, thế thì thiên định nhân tùy, ta cũng chẳng hẹp gì mà không cho các người hợp duyên đôi lứa.
Trước Dị Nhân sợ quá, cứ ngồi yên không dám nói điều gì, sau thấy Bất Vi nói thế cả mừng, bèn ra quỳ lạy Bất Vi, mà tạ ơn non Thái.
Bất Vi lập tức cho hai người làm lễ thành thân.
Từ đấy Công Tôn Càn tin Dị nhân, thả lỏng mà cho đi lại với Bất Vi.
Cách ít lâu, Bất Vi lập mưu đem Dị Nhân về Tần, bèn thu xếp tất cả gia tài cho Lã ông và Chu thị đưa sang Tần và một bức thư đưa cho Thái tử định ngày tháng đem quân đón Dị Nhân.
Chu thị đi rồi, cách mười hôm sau, Bất Vi cùng Dị Nhân, mỗi người một ngựa, lừa lúc đêm khuya, đem nhau đi trốn.
Sáng hôm sau có người đến báo, Công Tôn Càn lập lức đến xem, thì chỉ thấy nhà không người, mà đồ đạc đều đem đi hết.
Tôn Càn cả sợ, vào báo ngay với vua Triệu. Tức thì vua cho mấy trăm quân đi đuổi.
Đến nửa đường gặp quân Tần đi đón Dị Nhân, hai bên đánh nhau, quân Triệu phải kéo về. Thế là Dị Nhân đi thoát.
Sang đến nước Tần, Bất Vi bảo Dị Nhân phải vào trình Thái tử ngay, rồi sang trình Hoa Dương Phu nhân, và dặn nên đổi quần áo nước sở, vì Phu nhân là người nước sở, mà Dị Nhân lại là con Phu nhân.
Phu nhân thấy thế mừng quá, bèn đặt tên cho là Tử sở.
Năm sau Chu thị sinh con trai, Bất Vi và Dị Nhân cả mừng, đặt lên là Chính.
Đến tháng ba, vua Tần Chiêu Vương băng hà, Thái tử lên ngôi, lập Hoa Dương Phu nhân làm Hoàng hậu, Dị Nhân làm Thái tử và phong Bất Vi làm thái tử Thiếu phó.
Được một năm, vua lại băng hà, quần thần lập Thái tử Dị Nhân lên làm vua, tức là Tương Vương, tôn Hoa Dương Phu nhân lên làm Hoàng thái hậu, Chu thị làm Hoàng hậu, Tần Chính làm Thái tử, phong Lã Bất Vi làm Tướng quốc, cho phép tấu đối không phải xưng tên, đeo gươm lên điện, tất cả Triều đình văn vũ bách quan phải vâng lời, thực ấp vạn hộ, hiệu xưng Trọng phu (hàng cha).
Được ba năm, vua Tương Vương lại thăng hà, quần thần lại lập Thái tử Chính lên ngôi, tức là Tần Thủy Hoàng, tôn Chu thị làm Hoàng Thái Hậu.
Từ đấy quyền chính về cả tay Bất Vi, vì vua còn nhỏ lắm, Thái hậu Chu thị lại hoang dâm vô độ, thường bắt Bất Vi vào cung đêm ngày vui chơi.
Năm, sáu năm về sau, vua Thủy Hoàng đã lớn, tính rất thông minh, quần thần không ai dối được sự gì. Bởi vậy, Bất Vi sợ tội, vì Thái Hậu cứ cho vời luôn, bèn nghĩ một kế, đem một người thiếu niên, tên là Lạo Độc, vào để thay mình, giả làm hoạn quan, để hầu hạ Thái Hậu.
Sau Thái Hậu cùng với Lạo Độc sinh được hai con trai vẫn nuôi ở trong cung, mà không ai biết.
Đến lúc sự lộ ra, vua Thủy Hoàng lập tức sai quan đến khám cung thái Hậu, thì quả thấy hai người con nhỏ, mà Lạo Độc lại không phải là hoạn quan.
Vua hạ chiếu đem giết Lạo Độc và hai đứa con, Thái Hậu thì đem đày sang cung khác, sau có các quần thần can, nên lại rước về.
Còn Lã Bất Vi, vua không nỡ giết, nhưng viết cho những câu như sau này:
- Khanh có công gì với nhà Tần, mà ăn ấp vạn hộ, có thân gì với nhà Tần, mà xưng hiệu là Trọng phụ; vì là cựu thần của Tiên Đế, nên không nỡ giết, nhưng phải thu xếp gia quyến, mà phải đi đầy ra Thục, không được ở gần Kinh thành.
Bất Vi tiếp được giấy, khóc mà nói to lên rằng:
- Tôi tán hết gia tài, mới đem được Tiên đế về làm vua, công ấy ai bằng? Thiên tử chính là con, thân ấy ai bằng? Sao bây giờ vua lại bạc như vậy?
Bất Vi tự nghĩ rằng vua có ý muốn giết mình, có đi ra Thục, thì cũng phải chết, bèn lấy kiếm tự tử.
Sách có phê rằng: Bất Vi mưu trí cũng đã xâu xa, chỉ vì chiều Thái Hậu quá mà phải tội, đến lúc chết mới nói Thiên tử là con, thì đã trễ rồi, khá tiếc, khá tiếc.
Last edited by bevanng on 22 Jan 2023, edited 1 time in total.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Điển Tích

Postby bevanng » 15 Aug 2022

Vì sao gọi là con gái rượu?


Vào thời Tống, có một người thợ may lành nghề ở Thiệu Hưng khi biết tin vợ có thai đã rất mừng, hy vọng đứa bé là con trai để sau này nối nghiệp mình. Ông liền đặt người nấu hai chục hũ rượu nếp to, để dành cho ngày ăn đầy tháng đứa trẻ. Đến khi người vợ hạ sinh một bé gái, ông thất vọng và quyết định không tổ chức lễ đầy tháng linh đình nữa, bèn chôn phần lớn các hũ rượu kia xuống gốc cây hoa mộc trong vườn và quên bẵng.
Thời gian thấm thoắt trôi đi, bé gái đã trở thành một thiếu nữ. Không chỉ xinh đẹp, cô gái còn rất khéo tay và thông minh. Cô học được hết các kỹ thuật thêu thùa, may vá, quản lý sổ sách và làm cho hiệu may làm ăn phát đạt hẳn lên, phải thuê thêm người làm. Ông thợ may khi đó mới hiểu ra rằng cô con gái mình thật là báu vật trời cho. Ông tìm cách sắp đặt cho con gái lấy người thợ học việc giỏi nhất của mình để sau này cửa hiệu vẫn được người nhà duy trì.
Đám cưới diễn ra linh đình. Khách khứa ra vào tấp nập, cỗ bàn bày chật sân. Do đông khách quá nên đang ăn uống thì hết rượu. Bí quá, ông chủ hiệu may mới nhớ ra những hũ rượu chôn dưới gốc cây ngày xưa. Ông vừa đào lên vừa thấp thỏm, không biết sau mười tám năm, rượu có còn uống được hay không? Mới mở nắp hũ rượu ra thì một mùi thơm ngọt ngào tỏa khắp căn nhà. Khách mời dùng thử đều tấm tắc khen rằng đây đúng là loại rượu ngon nhất từ trước đến giờ họ từng uống. Câu chuyện sau đó được truyền tụng, dần dần trở thành truyền thống ở Thiệu Hưng. Hễ nhà nào sinh được con gái thì sẽ hạ thổ rượu trong vườn, đến khi con gái đi lấy chồng thì mới lấy lên dùng trong tiệc cưới.
Rượu này gọi là “Nữ nhi tửu” hay “Nữ nhi hồng” (vì trang trí hũ rượu mầu đỏ mừng cưới).
Từ đấy mà sinh ra thuật ngữ “con gái rượu” nhằm chỉ cô con gái được yêu quý, khi đi lấy chồng thì cha mẹ phải “tốn” rất nhiều “rượu con gái” quý giá.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Điển Tích

Postby bevanng » 21 Jan 2023

Trang Tử Gõ Chậu
Kim Cổ Kỳ Quan

Kim Vân Kiều

Khúc đâu đầm ấm dương hòa,
Ấy hồn hồ điệp hay là Trang Sinh.


Thị Kính

Còn người, còn cái thẹn này,
Cũng liều như thể vợ thày Trang Sinh.


Cuối đời Chu, ở Mông ấp nước Tống, có một nhà hiền triết họ Trang, tên Chu, tiểu tự là Tử Hưu, thường gọi là Trang Sinh hay Trang Tử. Khi còn trẻ, ông có làm thơ lại ở Tất Viên, cho nên lấy chữ Tất Viên làm biệt hiệu.
Trang Tử là học trò xuất sắc của vị tổ đạo giáo là Lý Nhĩ, tên chữ là Bá Dương, bạc đầu từ lúc mới sinh, cho nên người thường gọi là Lão Tử.
Thói thường Trang Tử mộng thấy mình hóa ra con bướm, bay lượn ở vườn hoa. Một hôm ông hỏi Lão Tử, thì Lão Tử đáp rằng:
- Từ thuở mịt mù, mới sinh ra trời đất, có một con bướm trắng, cánh lớn, là vật đầu tiên được hưởng ánh sáng của mặt trời mặt trăng, và hương nhị của hoa thơm, có thể trường sinh bất tử được. Một hôm, bướm ấy bay lượn nơi Dao trì, hút hết nhị hoa bàn đào của bà Tây Vương Mẫu, bị phạt mà phải thác sinh. Bướm ấy tức là nguyên hình của ngươi đó.
Nghe nói, Trang Tử mới hiểu rõ cái lẽ nhân quả, bèn quyết trí tu luyện để chuộc tội xưa. Lão Tử thấy vậy, cũng hết sức truyền đạo cho Trang Tử. Vì thế, Trang Tử chẳng những rất thâm trầm về triết lý, mà lại còn có phép biến hóa thần thông. Tuy nhiên, Trang Tử vẫn có gia đình: vợ cả của ông mất sớm; vợ kế tính tình không hợp, ông phải bỏ; vợ ba là Điền thị, có họ với vua nước Tề, sắc đẹp hơn người, cho nên gia đình đầy vẻ hòa thuận.
Vua nước sở nghe tiếng Trang Tử là một nhà học rộng tài cao, bèn vời cho làm quan, nhưng ông từ chối, rồi cùng vợ đến ẩn dật ở núi Nam hoa.
Một hôm, Trang Tử dạo chơi ở chân núi, chợt thấy một người thiếu phụ ăn mặc đồ tang, cầm cái quạt lớn, luôn tay quạt vào một cái mả mới. Trang Tử lấy làm lạ, đến hỏi. Người đàn bà ấy nói rằng:
- Đây là mồ của chồng tôi mới mất. Trong khi hấp hối, chồng tôi có dặn phải đợi cho mồ khô hẳn, mới được tái giá. Ngày ngày tôi ra viếng, thấy mồ vẫn còn ướt, cho nên phải quạt cho chóng khô.
Trang Tử nói:
- Nàng muốn đất chóng khô, tôi xin giúp sức.
Liền cầm quạt, làm phép, quạt mấy cái là đất khô ngay. Người thiếu phụ mừng rỡ lắm, xin biếu cái quạt để tạ.
Trang Tử trở về nhà, nhìn quạt mà nghĩ đến thói đời, chán ngán mà ngâm một bài thơ:

Chẳng nợ nần nhau chẳng sánh đôi,
Nợ nần dan díu biết bao thôi?
Ví hay mình thác, người đen bạc,
Lúc sống, tơ duyên đã dứt rồi.


Nguyên tác:

Bất thị oan gia bất tụ đầu,
Oan gia tương tụ kỷ thời hưu.
Tảo tri từ hậu vô tình nghĩa,
Tụ bả sinh tiền ân ái câu.


不 是 冤 家 不 聚 頭
寃 家 相 聚 幾 時 休
早 知 死 後 無 情 義
就 把 生 前 恩 愛 俱


Điền thị nghe thấy, liền chạy ra hỏi. Trang Tử bèn đưa cải quạt ra, và kể lại cho nghe câu truyện quạt mồ. Nàng giận mà nói rằng:
- Không ngờ ở đời lại có kẻ bất nghĩa đến thế!
Trang Tử ra chiều nghĩ ngợi, rồi đọc luôn một bài thơ nữa rằng:

Khi còn, những kể niềm yêu dấu,
Lúc thác, thường chăm việc quạt mồ;
Vẽ hỗ, vẽ da, xương khó thấy,
Biết người, biết mặt, dạ khôn dò.


Nguyên tác:

Sinh tiền cá cá thuyết ân ái.
Tử hậu nhân nhân dục phiến phần;
Họa hổ, họa bì, nan họa cốt,
Tri nhân, tri diện bất tri tâm.


生 前 箇 箇 說 恩 愛
死 後 人 人 欲 扇 墳
畫 虎 畫 皮 難 畫 骨
知 人 知 面 不 知 心


Điền thị nghe mấy câu đó, cả giận mà nói rằng:
- Vậy chàng cho đàn bà ai cũng như ai cả à?
Trang tử nói:
- Nàng đừng vội giận, lòng người ai mà chả thế. Phỏng không may tôi có mệnh nào, thì nàng nhan sắc như thế chắc đâu đã ở vậy được ba năm.
Điền thị liền giật lấy cái quạt rồi xé ra mà nói rằng:
- “Gái trinh chẳng lấy hai chồng”. Nếu thiếp gặp cảnh ấy, thì chỉ có một chết chứ không chịu nhục.
Sau đó dăm ngày, Trang tử bị ốm nặng, thuốc nào cũng không khỏi, bèn nói với vợ rằng:
- Xem bệnh tình, biết không sao sống được. Tiếc thay! cái quạt hôm nọ, đến lúc nàng phải cần đến, thì đã xé ra mất rồi.
Điền thị khóc mà nói rằng:
- Chàng đừng nghĩ thế. Thiếp là người biết lễ nghĩa. Ví bằng chàng chẳng qua khỏi được, thì thiếp nguyền ở vậy suốt đời.
Trang Tử nghe nói, khen ngợi rồi chết.
Điền thị than khóc suốt ngày đêm, không ăn uống gì, mặc đồ đại tang, khâm liệm cho chồng, rồi đem quan tài tạm quàn ở nhà trong.
Được bảy ngày, có một người thiếu niên, hình dung tuấn tú, ăn mặc lịch sự, có một đày lớ theo hầu, tìm đến nhà Điền thị, tự xưng là cháu vua nước Sở, nghe tiếng Trang Tử là một bậc đại hiền, nên đến xin học. Khi biết Trang Tử đã tạ thế, ra vẻ bùi ngùi, sửa lễ phúng viếng, lạy trước linh sàng mà khấn rằng:
- Kính viếng linh hồn Trang tiên sinh, kẻ đệ tử này vốn nghe tiên sinh học rộng tài cao, chẳng ngại đường xa đến xin thụ nghiệp. Nào ngờ Tiên sinh đà cưỡi hạc xa bay, đệ tử luống vô cùng thương xót. Vậy xin lưu lại ở đây, chịu tang một trăm ngày, cho trọn nghĩa thày trò…
Viếng xong, người thiếu niên xin mời Điền thị ra thưa chuyện. Điền thị từ chối không ra, thì người thiếu niên nói với người nhà rằng:
- Khi bạn bè của Tiên sinh đến viếng, sư mẫu còn phải ra tiếp, phương chi tôi là kẻ môn sinh, thì hà tất phải lánh mặt. Vả tôi còn xin lục soạn xem có những sách vở gì của Tiên sinh biên soạn, mà để lại cho đời sau không. Vậy xin sư mẫu cho phép tôi được hầu chuyện.
Điền thị bèn ra tiếp. Trông thấy người thiếu niên vừa trẻ vừa đẹp, đã có cảm tình. Đến khi trò chuyện, thấy chàng ăn nòi dịu dàng, lại thêm quyến luyến, cho nên nhận lời cho chàng trú lại. Cạnh bàn thờ đặt giữa nhà, nàng cho kê một cái giường ở gian bên để khách nghỉ. Nàng lại cho khách mượn xem Nam hoa kinh của Trang Tử và Đạo đức kinh của Lão Tử.
Điền thị tuy ở nhà trong, nhung mỗi ngày hai buổi ra cúng cơm chồng, cho nên có dịp cùng với chàng thiếu niên trò chuyện, mà sinh ra càng ngày càng say mê.
Một hôm, Điền thị gọi người đầy tớ vào nhà trong mà hỏi rằng:
- Chủ anh năm nay bao nhiêu tuổi? Đã có vợ chưa?
Người đầy tớ đáp rằng:
- Cậu tôi năm nay 22 tuổi, chưa có vợ. Vẻ người luấn lú, tài học khác thường, mà lại dòng dõi cành vàng là ngọc, thì cũng dễ tìm nơi phú quý. Nhưng xem ra cậu tôi chỉ cốt kén một người tài sắc tuyệt vời, chẳng kể sang hèn, giàu nghèo, ít tuổi hay đứng tuổi, còn tân hay đã góa, thế mà đến nay vẫn chưa được.
Điền thị nỏi:
- Tôi là người trong họ nhà Vua nước Tề, nhan sắc chẳng kém người, mà đàn dịch thêu thùa cũng không thua bạn. Thực cũng là vô duyên mới không được một người vừa dôi phải lứa như cậu anh.
Người đày tớ nói:
- Tôi nhận thấy cậu tôi có nhiều cảm tình với cô lắm. Nếu không phải là chỗ sư đệ, thì cũng chẳng khó gì chuyện kết lóc xe tơ.
Điền thị vui mừng mà nói:
- Việc cậu anh theo học thày Trang, là một việc mới định mà chưa thành, thì sao lại gọi là sư đệ được? Anh nên thưa rõ với cậu anh như thế. Ý cậu anh thế nào anh sẽ cho tôi biết.
Người đầy tớ vâng lời rồi lui ra.
Điền thị chờ đợi mấy hôm, không thấy trả lời, bèn lại gọi người đầy tớ vào hỏi. Người đầy tớ nói rằng:
- Về đạo thày trò, cậu tôi đã nghe ra. Nhưng cậu tôi lại còn nhận thấy ba điều bất tiện. Một là bàn thờ vong đặt ở giữa nhà mà làm lễ kết hôn, thì không trông được. Hai là cậu tôi về tài đức đều kém Tiên sinh, thì cái tình của cô chắc rồi cũng kém vẻ nồng nàn. Ba là cậu tôi ở nhà ra đi không mang nhiều tiên, thì lấy chi mà sắm sửa?
Điền thị nói:
- Những điều vừa nói, đều là dễ xử cả. Hiện nhà sau có phòng bỏ không, đem dọn bàn thờ ra đấy là được. Vả thày Trang tuy có tài đức, nhưng người xấu mà tuổi lại hơn tuổi tôi, có khi cùng với tôi xung đột về tư tưởng, cho nên ái ân chẳng được nồng nàn. Cậu anh là chỗ môn đăng hộ đối, tài sắc gồm hai, thì chắc hẳn duyên vầy cá nước. Còn như tiền sính lễ thì tôi đã có sẵn rồi.
Điền thị liền lấy 20 lạng bạc trao cho người đầy tớ để đem về cho chủ.
Người thiếu niên nhận được bạc, mới định ngày hôn lễ. Điền thị cả mừng, bèn cho dọn bàn thờ vào nhà sau.
Đêm hôm làm lễ thành hôn, Điền thị và người thiếu niên đều ăn mặc quần áo mới, rất vui vẻ cùng nhau chuyện trò. Bỗng tự nhiên, người thiếu niên lăn ra, kêu đau bụng, rồi mê man bất tĩnh. Điền thị ân cần đấm bóp. người đầy tớ nói rằng:
- Cậu tôi vốn có bệnh đau bụng từ lâu, mỗi khi lên cơn thì rất nguy hiểm, chỉ có một vị thuốc là chữa được thôi, nhưng rất khó kiếm.
Điền thị vội hỏi:
- Vậy là thuốc gi?
Người đầy tớ đáp:
- Chỉ có óc người sống hòa với rượu, đem cho uống là khỏi ngay. Cho nên mỗi lần cậu tôi đau bụng, vua Sở phải giết một tội nhân, lấy óc cho uống để cứu tỉnh mạnh cậu tôi.
Điền thị hỏi:
- Thế óc người chết có được không?
Người đầy tớ đáp:
- Nếu người chết chưa đến 50 ngày thì cũng được.
Điền thị nói:
- Thày Trang mới mất được 20 ngày, hiện quan tài còn để nhà sau, để tôi mở ra, lấy óc cho cậu anh uống.
Tức thì Điền thị tay sách đèn, tay cầm búa ra phía nhà sau. Vừa cậy nắp quan tài, đã thấy bật lên. Rồi thấy Trang Tử thở dài mà ngồi dậy, Trang Tử bèn cùng Điền thị ra nhà ngoài, thì lúc ấy hai thầy trò người thiếu niên đã đi đâu mất. Điền thị hoảng sợ, nhưng cũng cố nói khéo với Trang Tử rằng:
- Sau khi chàng nhắm mắt, thiếp thương xót vô cùng. Vừa rồi bỗng nghe trong quan tài có tiếng động, chắc rằng chàng được hồi sinh, cho nên thiếp phải lấy búa bổ ra để cứu.
Trang Tử nói:
- Nàng có lòng như thế, tôi rất cảm tạ. Nhưng đương khi tang tóc, sao lại ăn mặc lộng lẫy thế này?
Điền thị đáp:
- Chàng được sống lại, là một việc rất vui mừng, cớ sao lại không ăn mặc tử tế?
Trang Tử lại hỏi;
- Thế còn dọn bàn thờ vào nhà trong mà trang hoàng nhà ngoài, là để làm gì?
Điền thị không trả lời được. Trang Tử sai dọn rượu. Uống say, mới cầm bút viết mấy câu thơ”

Giũ sạch từ nay duyên với nợ,
Yêu ta, ta cũng không yêu nữa;
Ví cùng sum họp lại như xưa,
E nỗi đập săng lòng giáo giở?


Nguyên tác:

Tòng tiền liễu khước oan gia trái,
Nhĩ ái chi thời ngã bất ái;
Nhược kim dữ nhĩ tố phu thê,
Phạ nhĩ phủ thế thiên linh cái.


從 前 了 卸 寃 家 債
爾 愛 之 畤 我 不 愛
若 令 與 爾 做 夫 真
怕 你 命 劈 天 靈 蓋


Điền thị xem thơ hỗ thẹn, chẳng dám nói gì. Trang Tử lại viết thêm mấy câu nữa:

Ái ân, thôi cũng chuyện trăm ngày,
Có mới vội vàng nới cũ ngay.
Vừa đậy quan tài đà bổ nắp,
Bên mồ lọ phải quạt luôn tay.


Nguyên tác:

Phu thê bách nhật hữu hà ân,
Kiến liễu tân nhân vong cựu nhân.
Phả đắc cái quan tào phủ thế,
Như tha đẳng đắc phiến can phần.


夫 凄 百 曰 有 何 恩
見 了 新 人 忘 舊 人
甫 挦 蓋 棺 遭 令 劈
如 他 等 待 扇 乾 墳


Trang Tử bỗng nhìn ra ngoài mà hỏi Điền thị rằng:
- Kìa, hai người nào thế kia?
Điền thị trông ra, thì thấy người thiếu niên và đầy tớ cùng đang đi vào. Nàng cả sợ, nhìn lại thì Trang Tử đã biến mất, mà nhìn ra chẳng thấy hai người đâu nữa. Nàng mới biết rằng Trang Tử có phép thần thông biến hiện, cho nên hối hận vô cùng, hỗ thẹn khôn xiết, bèn thắt cổ chết.
Trang Tử bỏ Điền thị vào cái săng cũ của mình, đem mai táng chu đảo, rồi gõ chậu sành mà hát mấy câu: 

Vợ chết mình phải chôn,
Mình chết vợ cải giá.
Ruộng mình người cầy liền,
Ngựa mình người chiếm cả.
Mình ví thực chết rồi,
Nực cười lắm truyện lạ.


Nguyên tác:

Thê tử ngã tất mai,
Ngã tử thê tất giá.
Điền bị tha nhân canh,
Mã bị tha nhân khóa.
Ngã nhược chân tử thì,
Nhất trường đại tiếu thoại.


Trang Tử hát xong, đập tan cải chậu sành, đốt sạch nhà cửa rồi đi biệt tích, người đời cho rằng ông đã theo Lão Tử mà thành tiên. Sau chỉ còn nhặt được những quyển kinh sót lại.
Last edited by bevanng on 04 Feb 2023, edited 1 time in total.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Điển Tích

Postby bevanng » 27 Jan 2023

Ăn Bắc Nằm Nam


Do câu “Đông gia thực phạn, tây gia miên” nghĩa là: Ăn cơm nhà bên đông, ngủ nhà bên tây. Do tích ngày xưa có một cô gái đến tuổi cập kê, có hai người đàn ông láng giềng đến dạm hỏi. Người nhà bên phía đông thì giàu có, nhưng lại quá xấu. Người nhà phía tây thì nghèo, nhưng lại đẹp trai. Cha mẹ hỏi ý kiến, nàng liền đáp: “Đông gia thực phạn, tây gia miên”. Nàng con gái ấy muốn ưng chàng trai nghèo đẹp trai, nhưng lại muốn lợi dụng tiền bạc của chàng trai giàu có xấu xí. Theo nghĩa bóng câu trên có dụng ý chê trách người ăn ở hai lòng, chỉ cốt được lợi riêng, Trong thơ có câu:

Học đòi ăn bắc nằm nam,
Chỉ mong thủ lợi, tham lam thói đời.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Điển Tích

Postby bevanng » 27 Jan 2023

Ấp Cây


Ôm cây. Đời Tống có một người đi cày ruộng, đêm đến thấy có một con thỏ chạy hoảng va đầu vào gốc cây mà chết, người ấy bắt được. Bụng bão dạ: Cứ mỗi đêm được một con thỏ như thế này thì cày bừa làm gì cho mệt. Qua hôm sau liền bỏ việc cày bừa, cứ ngồi ôm gốc cây mà chờ thỏ để bắt, nhưng chờ ngày nầy qua ngày nọ vẫn không có một con thò nào bén mảng đến. Ý nói sự mơ ước hão huyền, đứng núi này trông núi nọ, chỉ rước lấy thất bại vào thân. Trong “Kiều” cũng có câu :

Thân tròn như cuội cung mây,
Trần trần một phận ấp cây đã liều.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Điển Tích

Postby bevanng » 27 Jan 2023

Ấp Tiết


Mạnh Thường Quân, Tướng Quốc nước Tề, vì nuôi trong nhà thực khách quá nhiều, không đủ bổng lộc để chu cấp. Thường Quân liền đem tiền cho người Ấp Tiết (Ấp này do vua Tề cắt đất phong cho Mạnh Thường Quân xem như một chư hầu) vay để lấy lời nuôi tân khách. Nhưng đến kỳ dân chúng thiếu nợ không trả. Liền đem bàn với mọi người và nhờ Phùng Hoan đến Ấp Tiết tra sổ nợ để đòi về. Phùng Hoan vâng lệnh đến Ấp-Tiết cho làm tiệc thết đãi dân chúng, rồi tuyên bố những người nào còn thiếu nợ Tướng quốc xin đem trả. Người nào chưa trả được xin hẹn lại, nhược bằng người nào nghèo khổ quá thì được hủy giấy nợ. Dân chúng rất hoan hỉ đến dự đông đủ, hết lòng tri ân Mạnh Thường Quân và cảm tạ phùng Hoan. Tuy số nợ thâu không đủ số nhưng cũng được một số lớn. Về Mạnh Thường Quân trách Phùng Hoan sao làm như vậy, vì hiện đang thiếu tiền. Phùng Hoan đáp: “Tôi đi thâu cho Tướng Quốc hai mối lợi: một là tiền, hai là đức. Ấp Tiết là đất vua phong cho Tướng Quốc, dân chúng ở đây đều chia nỗi vui buồn với Tướng Quốc, nếu không thi ân cho người nghèo, thì đâu phải là bậc hiền sĩ.” Mạnh Thường Quân tuy khen Phùng Hoan là mưu trí, nhưng trong lòng buồn. Về sau, bị người gièm là Mạnh Thường Quân định cướp ngôi, Tề Mân Vương liền thâu hồi Tướng Quốc của Mạnh Thường Quân. Tân khách đều bỏ đi hết, chỉ còn Phùng Hoan theo Mạnh Thường Quân. Về đến Ấp Tiết dân chúng đến chúc mừng và hàng ngày mang rượu thịt đến dâng cho Mạnh Thường Quân, bấy giờ Mạnh Thường Quân mới hiểu rõ giá trị về việc thi ân bố đức ngày trước của Phùng Hoan với dân Ấp Tiết.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Điển Tích

Postby bevanng » 29 Jan 2023

Bá Lý Hề


Tự là Tỉnh Bá, người nước Ngu. Trên ba mươi tuổi mới cưới vợ sanh được một trai. Lúc bấy giờ ở nước Ngu không có người tiến cử nên không thể tìm cách tiến thân được, Bá Lý Hề muốn tìm sang xứ khác để đem tài trí ra xây dựng sự nghiệp. Ngặt nỗi nhà nghèo, vợ con không nơi nương tựa. Đỗ Thị biết ý chồng, khuyên nên ra đi, đừng bận bịu việc gia đình mà làm cản trở chí tiến thủ của người nam nhi. Khi tiễn chồng đi, nhà nghèo không có gì, chỉ có một con gà, nhà lại thiếu củi, Đỗ Thị liền lấy tấm phên cửa làm củi để làm một bữa tiệc mọn tiễn chồng ra đi lập thân danh. Qua Tề, Bá Lý Hề lại không có ai tiến dẫn, trong túi lại không tiền lại phải làm kẻ ăn xin nơi đất Chất. Trong thời gian này, Lý Hề đã bốn mươi tuổi, và gặp được một người tên là Kiển Thúc, biết Lý Hề không phải người tầm thường liền đem về nhà kết bạn chí thân. Thúc lớn tuổi hơn làm anh, Hề làm em. Nhưng nhà Kiển Thúc cũng nghèo, Lý Hề phải đi ở mướn giữ trâu để kiếm thêm tiền. Một thời gian sau, hai anh em nghe bên nước Châu có Vương Tử Đối là người ưa thích trâu lắm, những người nuôi trâu đều được trọng dụng. Lý Hề muốn từ giã lên đường. Kiển Thúc cầm tay tiễn biệt, dặn Lý Hề rằng: “Bậc trượng phu không thể hạ mình mà qui luỵ. Nếu lỡ theo đầu một người mà bỏ đi là bất trung, còn theo mãi phò tá một người để bị mang vạ vào thân là bất trí. Như vậy, em cần phải thận trọng mới được.” Sau khi em đi, anh ở nhà lo liệu thu xếp việc nhà, chừng xong anh sẽ qua Châu tìm em. Lý Hề qua Châu được Vương Tử Đối hậu đãi. Sau Kiển Thúc qua tìm gặp Lý Hề và yết kiến Vương Tử Đối. Nhưng Kiển Thúc bảo nhỏ Lý Hề rằng: “Vương Tử Đối có chí lớn, nhưng kém tài, chung quanh lại ưa tin dùng những kẻ gian nịnh, việc lớn ắt không thành. Ta nên lánh trước là hơn.” Lý Hề xa gia đình vợ con đã lâu ý muốn trở về thăm quê hương xứ sở. Kiển Thúc cho biết mình có một người bạn thân hiện làm quan tại nước Ngu tên là Cung Chi Kỳ, và cùng đi với Lý Hề sang qua nước Ngu. Lý Hề về nhà mới hay vợ con vì không thể sống nỗi, nên đã dời nhà đi nơi khác, hiện không biết ở đâu. Kiển Thúc vào xin yết kiến Chi Kiều, được tiếp đãi trọng hậu. Kiển Thúc liền giới thiệu Lý Hề. Nhờ sự tiến dẫn của Lý Hề được làm chức Trung đại phu. Trước khi từ biệt, Kiển Thúc cho Lý Hề biết vua nước Ngu không phải người tốt, tự dựng mình lên ngôi vua, lại trí óc thiển cận, không phải người hiền đáng phò. Tuy nhiên, Kiển Thúc khuyên Lý Hề nên tạm ở yên nơi đây cho qua những ngày lao khổ, và căn dặn sau nầy Lý Hề qua tìm mình nơi đất Tống. Sau nầy, vua nước Ngu không nghe lời khuyên can của Cung Chi Kỳ, lại tham lam ngọc và ngựa quý của sứ Tần, liền cho Tấn Hiến Công mượn đất đánh nước Quắc, diệt được Quắc xong, Tấn trở lại đánh Ngu, vì thế yếu Ngu bị mất nước, vua Ngu bị bắt, Lý Hề tự cho là mình bất trí, nay nếu bỏ đi là bất trung, liền cương quyết theo hầu bên cạnh Ngu Công. Sang qua Tấn, Lý Hề gặp Chu Chi Kiều trước làm quan Đại Phu cho Quắc, nhưng sau khi bị mắc mưu Tấn thua mất thành, sợ tội trốn qua đầu Tấn được giữ chức Đại Phu. Chi Kiều khuyên Lý Hề nên đầu Tấn để được hưởng vinh hoa phú quí, Lý Hề khẳng khái trả lời: “Đã mất nước bị người thôn tính, nước nghịch đi chiếm được nước mình, đáng lý không nên bước chân đến nước nghịch mới phải, đằng này nói đến việc đầu hàng là vô cùng nhục nhã.” Chi Kiều hỗ thẹn và oán ghét Lý Hề. Nhân dịp Tấn gã con về Tần, vua Tấn muốn có người theo đưa dâu, sẵn dịp oán hận Lý Hề làm nhục mình, Chi Kiều liền tiến cử Lý Hề đi sang Tần, cốt để trả thù. Lý Hề biết rõ âm mưu của Chi Kiều than thở cho số phận mình, ôm tài kinh bang tế thế lại tuổi đã già, nay chỉ làm một khách đưa dâu nhục nhã. Liền nhân lúc đêm tối trốn qua Sở. Lý Hề bị bọn thợ săn bắt được, đem về cho Lý Hề nuôi trâu. Nhờ có biệt tài, nên Lý Hề nuôi trâu được béo tốt và sinh sản nhiều. Sở Vương hay tin, liền cho đòi Lý Hề đến truyền đem giữ ngựa của nước Sở ở Nam Hải. Vua Tần là Tần Mục Công khi nhận được văn thơ của vua Tấn, thấy thiếu Bá Lý Hề trong đám người đưa dâu liền hỏi Công Tử Chấp. Công Tử thưa rằng Bá Lý Hề là người hiền. Biết việc can ngăn vua Ngu không được nên không khuyên can, đó là Trí. Theo về Tấn mà không tham quyền tước, trọn nghĩa với vua nước Ngu là Trung. Vốn Lý Hề là người có tài kinh bang tế thế, nay vợ con thất lạc nghe đâu qua đất Sở, chắc Lý Hề đã sang qua đất Sở, rồi. Tần Mục Công liền cho người sang đất Sở, dò xem tin tức, mới hay Lý Hề hiện đang nuôi ngựa cho vua Sở ở Nam Hải. Tần Mục Công định cho Công Tôn Chi đem hậu lễ sang Sở rước Lý Hề về Tần. Công Tôn Chi cho rằng Sở không biết Lý Hề là người hiền nên bắt chăn ngựa, nay nếu Tần đem lễ trọng thể rước về, chắc chắn Sở biết Lý Hề là người hiền tài đời nào cho Lý Hề đi. Giờ ta nên mượn cớ Lý Hề đưa dâu mà bỏ trốn, tìm cách đưa lễ vật sang Sở đòi bắt Lý Hề về răn trị thì xong. Vua Tần y tấu, quả nhiên rước được Lý Hề về Tần.
Nhìn thấy Lý Hề râu tóc đã bạc phơ, Mục Công tỏ ý tiếc cho rằng Lý Hề già quá không thể cán đáng việc trọng đại của quốc gia được. Lý Hề biết ý Tần Mục Công liền thưa: “Nếu Chúa công cần dùng người săn thú, đuổi chim thì quả thật hạ thần không làm nỗi. Nhưng nếu Chúa Công cần người tài để chung lo việc nước, bình trị thiên hạ, thì tuổi thần vẫn còn trẻ. Ngày xưa ông Lã Vọng ngồi câu ở sông Vị Thủy, đã ngoài bảy mươi tuổi, thế mà vua Văn-Vương nhà Châu rước về làm Thượng Phụ giúp nhà Châu lập nên đế nghiệp rồi truyền đến ngày nay. So với Lã Vọng thì thần vẫn còn trẻ hơn nhiều.” Mục Công lấy làm hài lòng, tỏ lời xin lỗi và phong cho Lý Hề chức Thượng Khanh nắm giữ quyền bính trong nước. Người ta thường gọi là: “Ngủ cổ Thượng Khanh”, nghĩa là quan Thượng Khanh năm tấm da dê vì khi Tần Mục Công cho người sang Sở xin chuộc Lý Hề bằng năm tấm da dê tốt. Vợ của Bá Lý Hề trôi giạt sang Tần làm nghề giặt thuê, con Lý Hề là Mạnh Minh, vì không người trông nôm, thường chơi bời lêu lõng, Đỗ thị dạy không được. Nghe tin chồng làm quan Thượng Khanh nước Tần, lại mỗi lần xe Lý Hề đi ngang qua, Đỗ-thị trông thấy chồng áo mão cân đai không dám nhìn. Nhân trong dinh Lý Hề có thiếu người giặt thuê, Đỗ thị xin vào ở. Lân la quen biết với phường nhạc trong dinh, Đỗ-thị xin đến đàn hát giúp vui cho quan Thượng Khanh. Bọn phường nhạc trình lên, Lý Hề chấp thuận, Đỗ thị liền lên dây dàn gảy lên một bản bi ai, trỗi giọng hát du dương: Bá Lý Hề năm bộ da dê! Nhớ ngày ly biệt, mỗ gà mái ấp nấu nồi cơm vàng! Tình thiết tha. Nay phú quí nỡ quên ta sao! Bá Lý Hề năm bộ da dê! Cha ăn thịt cá, con đói khóc dài. Chồng mặc áo gấm, vợ giặt thuê hoài! Nay phú quí nỡ quên ta sao! Bá Lý Hề năm bộ da dê! Nhớ ngày xưa, chàng ra đi, thiếp nặng dòng biệt ly! Bây giờ chàng ngồi đó, thiếp chẳng dám gần! Phú quí cao sang nỡ quên ta sao?


(Nguyên văn: Bá Lý Hề, ngủ dương bì! Ức biệt thì, phanh phục thư, xuân huỳnh phỉ xuy diễm di, kim nhựt phú quí, vong ngã vi! Bá Lý Hề, ngũ dương bì! Phụ lương nhục, tử đề ky, phụ văn túc, thê hoãn y! Ta hồ phú quí, vong ngã vi! Bá Lý Hề, ngũ dương bì! Tích chi nhựt, quân hành nhi, ngã đề, Kim chi nhựt, quân tọa nhi ngã ly! Ta hồ phú quí, vong ngã vi!)

Nghe xong bài hát, Bá Lý Hề nhận ngay ra vợ, liền bước xuống ôm nhau than khóc thảm thiết. Khi hỏi đến đứa con, Đỗ thị nói đã theo người hàng xóm đi săn. Bá Lý Hề cho người đến gọi về, cha con, chồng vợ sum vầy. Tần mục Công hay tin chồng vợ Lý Hề đoàn tụ, liền đem bạc vàng và gấm lụa ban thưởng. Bá lý Hề hôm sau vào triều dẫn con là Mạnh-Minh đến yết kiến và tạ ơn ban thưởng. Tần mục Công phong cho Mạnh Minh chức Đại Phu chung lo việc nước.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Điển Tích

Postby bevanng » 03 Feb 2023

Trần-Hậu-Chủ (Tùy Đường)


- Vườn Thượng-uyển khúc trùng thanh-dạ,
Gác Lâm-xuân điệu ngỏ Đình-hoa.

(CUNG-OÁN)

- Bóng hồng nhác thấy nẻo xa,
Xuân lan thu cúc, mặn-mà cả hai.

(KIM-VÂN-KIỀU)

Nhà Tây-tấn, sau hơn ba mươi năm thống-trị, bị Hung-nô diệt ở miền Bắc, lập nhà Đông-Tấn ở miền Nam. Được ít lâu, Đông-Tấn lại bị diệt, mà Tống, Tề, Lương, Trần, lần-lượt nối nhau. Còn như ở miền Bắc, thì có Bắc-ngụy, Bắc-tề, Tây-chu, rồi đến Tùy. Đó tức là thời-đại Nam-bắc-triều.
Cuối thời-đại ấy, đương đầu nhau là Tùy-Văn-Đế và Trần-Thúc-Bảo. Trần-Thúc-Bảo, tức Trần-Hậu-Chủ, là một ông vua rất thông-minh, văn-chương tài-hoa, chỉ thích nghề thơ-phú. Trong triều có hai người tên là Khổng-Phạm và Giang-Thông, cũng hay văn-thơ. Hậu-Chủ phong một người làm Thượng-thư, một người làm Bộc-xạ, để làm bạn thơ-từ.
Hậu-Chủ có một Quý-phi, tên là Trương-Lệ-Hoa, sắc đẹp khuynh-thành, lại thêm tính-cách mẫn-tiệp, văn-thơ cũng hay, Hậu-chủ rất yêu-quý. Bèn làm ba tòa gác rất lộng-lẫy, gọi là gác Lâm-xuân, gác Vọng-tiên và gác Kết-ỷ, xung quanh câu-lan toàn dùng bằng gỗ trầm-đàn, trạm-lọng rất tinh-tế, ở trong trang-hoàng, đặt đồ vàng-ngọc, rèm châu chướng gấm, san-hô, mã-não, hổ-phách, lưu-ly, thật là xa-xỉ.
Dưới sân, trồng những cây quý, hoa thơm, đắp núi Nghinh-phong, đào hồ Ngoạn-nguyệt. Hậu-Chủ thường-thường đêm ngự gác Lâm-xuân, hội-họp cả Khổng-Phạm và Giang-Thông cùng các giai-nhân tài-tử và nữ-học-sĩ, ngâm thơ bình phú.
Vua và Quý-phi thì lựa-chọn những bài hay mà ban-thưởng, và bắt bọn nữ-nhạc theo điệu mà hát, rồi tấu-nhạc. Khi tấu-nhạc, bình văn, uống rượu suốt đêm, thì gọi là trường-dạ-ẩm. Hậu-Chủ có làm một khúc Hậu-đình-hoa như sau này:

Bóng rợp hương thơm chốn lâu-các,
Nghiêng thành vẻ đẹp với màu tươi.
Ngoài cửa dịu-dàng khoan dạo bước,
Trước màn chào-đón mỉm môi cười.
Má hồng tựa đóa hoa đầy móc,
Cây ngọc sân sau chiếu sáng ngời.


Nguyên tác:

Lệ vũ phương lâm đối cao các,
Tân trang diễm chất bản khuynh-thành.
Ánh hộ ngưng kiều sạ bất tiến,
Xuất duy hàm thái tiếu tương nghinh.
Yêu cơ kiểm tự hoa hàm lộ,
Ngọc thụ lưu quang chiếu hậu đình.


麗 宇 芳 林 對 高 閣
新 妝 艷 質 本 傾 城
映 户 凝 嬌 乍 不 進
出 惟 含 態 笑 相 迎
妖 姬 臉 似 花 含 露
玉 樹 流 光 照 後 庭


Sau Hậu-Chủ mê-man quá, đêm nào cũng có trường-dạ-ẩm, đến nỗi bỏ cả việc nước, mà giao-phó cho Khổng-Phạm và Giang-Thông. Bởi vậy triều-đình việc gì cũng ở hai người, mà Hậu-Chủ không biết đến.
Tiếng đồn sang đến Bắc-triều, lúc bấy giờ là nhà Tùy. Vua Tùy-Văn-Đế hội các quần-thần lại, bàn rằng: “Nay Trần-Hậu-Chủ nhu-nhược lắm, nên nhân dịp tốt đem quân sang đánh, thì tất lấy được Trần. Nếu để lâu, có vua giỏi lên thay, thì mất cơ-hội”.
Tức thì sai Dương-Quảng (con thứ hai vua Tùy), làm Nguyên-súy, cùng đại-tướng là Dương-Tố và Lý-Uyên đem mười lăm vạn quân, sang đánh Trần. Khi quân Tùy sang đến nơi, Vua Hậu-Chủ còn say, chưa dậy, quần-thần đều sợ-hãi chạy trốn, chỉ còn Hậu-Chủ và các phi-tần ở trong cung. Quân Tùy phá thành vào, Hậu-Chủ không biết trốn đi đâu, một tay dắt Lệ-Hoa, một tay dắt Khổng-Quý-Tần, ba người nhảy xuống giếng mà ẩn.
Quân Tùy vào tìm đâu cũng không thấy Hậu-Chủ, ngờ ẩn ở dưới giếng, bèn lấy gạch-đá ném xuống, thì thấy ở dưới, kêu lên rằng: “Giòng dây xuống mà kéo ta lên”.
Quân nghe lời, cho dây xuống, kéo thấy nặng quá, lấy làm ngạc-nhiên, sau mới biết là có ba người. Lệ-Hoa và Quý-Tần đều bị giết, còn Trần-Hậu-Chủ sau cũng vì buồn-rầu thành bệnh mà chết. Từ đấy nhà Tùy nhất-thống cả Nam, Bắc. Khi vua Tùy-Văn-Đế thăng-hà, Dương-Quảng được nối ngôi, tức là Tùy-Dượng-Đế.
Một hôm, Dượng-Đế đi chơi thuyền ngoài bể, bỗng gặp một cái thuyền nhỏ, có một người nói to lên rằng: “Trần-Hậu-Chủ xin đến hầu Thánh-thượng”.
Nguyên trước kia Hậu-Chủ làm Thái-tử nước Trần, Dượng-Đế thường đi lại chơi; nay thấy nói đến, mừng-rỡ mời vào, quên cả rằng Hậu-Chủ đã chết từ lâu.
Hậu-Chủ vào thấy Dượng-Đế, bèn quỳ làm lễ theo đạo vua-tôi. Dượng-Đế lấy tay đỡ dậy nói rằng: “Trẫm cùng khanh là bạn cố-cựu, hà-tất phải năng lễ như thế?”
Hậu-Chủ nói: “Đã đành rằng thế, nhưng Bệ-hạ là một đấng nhất-thống Thiên-tử, nay khác xưa, không dám bì đâu với lúc trước”. Dượng-Đế cười, mời ngồi.
Hậu-Chủ nói: “Hồi tưởng khi còn nhỏ, cùng Bệ-hạ đi chơi các nơi thắng-cảnh, không biết Bệ-hạ còn nhớ không?”
Dượng-Đế nói: “Khi còn nhỏ cùng nhau tình như cốt-nhục, có lẽ nào lại không nhớ. Còn như việc nước, Trẫm được khanh mất là việc trời, khanh đừng để ý”.
Nhân lại hỏi: “Khi khanh làm vua Trần, có vị Quý-phi Lệ-Hoa mà xây lâu-đài cao-các, như là Lâm-xuân và Vọng-tiên cực kỳ tráng-lệ, có phải không?”
Hậu-Chủ nói: “Có, thường vua khai sáng hay cần-kiệm, vua nối ngôi hay xa-xỉ, cũng như Bệ-hạ bây giờ, hơn lúc Văn-Hoàng-Đế nhiều”.
Dượng-Đế lại hỏi: “Lệ-Hoa Quý-phi bây giờ ở đâu?”
- Thưa, ở bên thuyền kia, Bệ-hạ có lòng hỏi đến, mới dám cho sang.
Lệ-Hoa sang cúi đầu làm lễ. Dượng-Đế đứng dậy, mời ngồi, mà rằng: “Ở chốn bể khơi, mà gặp bạn cũ, đúng câu “tha hương ngộ cố tri”.
Bèn rót rượu mời Hậu-Chủ và Lệ-Hoa uống, rồi lại nói: “Trẫm thường nghe Quý-phi tài-sắc tuyệt-vời, lại hay nghề văn-thơ và ca-vũ. Nay thấy nhan-sắc Quý-phi, biết là tiếng đồn không sai, nhưng còn giọng hát thì chưa được rõ. Thấy nói Hậu-Chủ có khúc Hậu-đình-hoa, lời văn rất khéo, nếu được Quý-phi đem khúc ấy hát cho Trẫm nghe, thì thật là phỉ bình-sinh sở-nguyện”.
Lệ-Hoa từ-chối, mà tâu rằng: “Việc ca-vũ, thần-thiếp lâu nay đã bỏ, nếu có ca-hát cũng không hay, sợ rác-tai Bệ-hạ, xin Bệ-hạ tha cho”.
Dượng-Đế không nghe, cố ép. Hậu-Chủ phải bảo Lệ-Hoa tấu khúc Hậu-đình-hoa. Dượng-Đế chú ý nghe, lấy làm hay lắm.
Lệ-Hoa tâu rằng: “Nay tình-cờ mà được chầu Thiên-tử, thiếp xin Bệ-hạ tặng cho một đôi câu, gọi là mấy lời hạ-tứ làm vẻ-vang cho thần-thiếp, không biết Bệ-hạ có thương cho không?”
Dượng-Đế từ-chối mà rằng: “Trẫm lâu nay cũng không làm đến thơ-từ, nay nể Quý-phi mà làm, sợ có điều sơ-xuất chăng, xin Quý-phi bằng lòng vậy”.
Lệ-Hoa không nghe mà nói: “Hay Bệ-hạ cho thiếp không đáng nghe thơ Thiên-tử chăng?”
Dượng-Đế nói: “Quý-phi đừng nên nghĩ thế”.
Sau bất-đắc-dĩ Dượng-Đế phải tặng một bài. Lệ-Hoa xem mấy câu thơ, cho rằng có hàm ý khinh-bạc lấy làm giận lắm, chẳng nói một lời.
Hậu-Chủ thấy vậy, mới hỏi Dượng-Đế rằng: “Lệ-Hoa so với Tiêu-Hậu của Bệ-hạ thì nhan-sắc ai hơn kém?”
Dượng-Đế đáp: “Hai người cũng như hoa lan về mùa xuân, hoa cúc về mùa thu, mỗi bên đều có riêng vẻ đẹp (xuân lan thu cúc mặn mà cả hai). Tiêu-Hậu tỉ Quý-phi yểu-điệu, tựu như xuân lan dữ thu cúc nhất ban, các tự hữu nhất thời chi tú”.
Hậu-Chủ lại hỏi: “Lệ-Hoa đã quy thế, sao Bệ-Hạ còn có vẻ khinh-bạc?”
Thế rồi, hai bên điều qua tiếng lại, thành ra tức-giận. Hậu-Chủ bèn cùng Lệ-Hoa trở về thuyền riêng, giương buồm thẳng chạy, phút chốc đã không thấy đâu nữa. Sau, Dượng-Đế mới biết đó là một giấc mơ.
Phan-Như-Xuyên Dịch
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Điển Tích

Postby bevanng » 03 Feb 2023

Thôi-Hộ – Hoa Đào Năm Ngoái (Tình-Sử)


- Trước sau nào thấy bóng người,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.

(KIM-VÂN-KIỀU)

- Hoa đào còn đỏ trơ-trơ,
Mà người năm ngoái bây giờ là đâu.

(BÍCH-CÂU KỲ-NGỘ)


Thôi-Hộ quê ở Bắc-lăng, đỗ Tiến-sĩ đời Đường, vẻ người phong-nhã, cha-mẹ mất sớm. Gặp tiết thanh-minh, chàng đi chơi Đô-thành, qua một cái trại rộng chừng một mẫu, cây-cối rậm-rạp, hoa nở đầy cành, giữa có nhà ở, mà chẳng thấy ai. Chàng gõ cửa, thì có một người con gái ra, dòm khe cửa mà hỏi: “Ai đấy?”
Chàng xưng tên họ, rồi nói rằng: “Tôi đi chơi qua đây, vừa gặp lúc khát, nên phải gọi cửa, để xin nước uống”.
Người con gái trở vào, lấy nước đem ra, mở cửa và bắc ghế mời chàng ngồi, rồi đứng ra một bên. Nàng có vẻ đẹp lạ dường, chẳng khác gì thần-tiên vậy. Thôi-Hộ buông lời bỡn-cợt; nàng không trả lời, nhưng cũng ra chiều quyến-luyến. Lúc Thôi-Hộ từ ra đi, thì nàng đưa chân đến khỏi cửa, chào rồi trở vào. Từ đấy, chàng vẫn nhớ mà không có dịp tới.
Năm sau, cũng đúng ngày Thanh-minh, chàng cố tìm đến, thì thấy cửa đóng y như trước, nhưng không thể gọi được, bèn đề vào cánh cửa một bài thơ rồi đi:

Cửa này, xuân trước cũng hôm nay,
Mặt ngọc, hoa đào, ánh đỏ hây.
Mặt ngọc, đi đâu mà chẳng thấy,
Hoa đào cười gió hãy còn đây.


Nguyên tác:

Tích niên kim nhật thử môn trung,
Nhân diện đào-hoa tương ánh hồng.
Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.


昔 年 今 日 此 門 中
人 面 桃 花 相 映 红
人 面 不 知 何 處 去
桃 花 依 舊 笑 東 風


Cách đó ít lâu, vướng-vít tơ tình, chàng lại tìm đến lần nữa, chợt thấy trong nhà có tiếng khóc. Chàng liền gọi cửa. Một ông già ra hỏi rằng: “Ông có phải là Thôi-Hộ không?”
Chàng đáp: “Thưa phải”.
Ông già nói: “Thực là ông đã giết con gái tôi rồi”.
Thôi-Hộ sửng-sốt, không biết trả lời ra sao.
Ông già lại nói: “Con tôi có biết chữ, chưa gả cho ai. Đã một năm nay, không biết tại sao người cứ thẫn-thờ, như có điều gì nghĩ-ngợi. Một hôm, cùng với tôi đi chơi về thấy bài thơ đề cửa, liền thụ-bệnh mấy hôm, không ăn gì rồi chết. Vậy không phải chính ông đã giết nó thì còn ai? Tôi chỉ có một người con gái, định gả vào nơi tử-tế để nương thân già; bây giờ như thế, thì còn biết làm thế nào?” Nói xong, ông già nức-nở khóc.
Chàng cũng bùi-ngùi, xin vào tận nơi thăm, thì thấy nàng nhan-sắc còn như trước. Chàng lấy tay nâng đầu lên mà nói: “Tôi là Thôi-Hộ đây”.
Tự nhiên người con gái tỉnh lại. Ai nấy đều mừng-rỡ vô-cùng. Sau, ông già gả người con gái ấy cho Thôi-Hộ.
PHAN-THẾ-ROANH dịch
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Điển Tích

Postby bevanng » 03 Feb 2023

Hoàng-Sào (Tàn Đường)


- Làm chi để tiếng về sau,
Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng-Sào.

(KIM-VÂN-KIỀU)


Về đời Đường, khi vua Hi-Tôn lên ngôi, lấy niên-hiệu là Càn-phù (Dương-lịch: 874), quần-thần đã không có người tài-giỏi, lại nhiều kẻ gian-nịnh, cho nên triều-chính trễ-nải, giặc-giã tứ-tung. Vua rất lo-ngại, bèn hỏi quần-thần phương-kế giẹp loạn.
Một nịnh-thần là Điền-Lệnh-Khảo, Tổng-quản Lục-bộ, tâu rằng: “Tâu Bệ-hạ, sở-dĩ thiên-hạ không yên, là vì thiếu người tài-giỏi ra gánh-vác việc lớn. Vậy nay xin Bệ-hạ mở khoa thi cầu-hiền, văn kén lấy tài, võ chọn lấy giỏi, để có người giúp nước, thì thiên-hạ hẳn được thái-bình”.
Vua nghe tâu, liền xuống chiếu mở khoa thi, các sĩ-tử văn-võ các nơi, đều đến Hàm-dương ứng-thi.
Trong số sĩ-tử, có một người tên gọi Hoàng-Sào, là con Hoàng-Tôn-Đán làm nghề buôn muối ở thôn Xích-Tường (Tào-châu). Mẹ là Điền-thị, một hôm đi chơi về, qua rừng Sào-lâm, từ xa trông thấy một đứa tiểu-nhi ngồi giữa đường, đến nơi thì hóa ra một đám khói vàng vàng ám vào người. Điền-thị từ đấy thụ-thai. Sau hai mươi nhăm tháng, sinh được con trai, hình-dung kỳ-quái: thân dài hai thước, lông mày chữ nhất, hai răng chìa ra, mũi ba lỗ, sau lưng có vẽ bát-quái, trước ngực có vẽ thất-tinh. Tôn-Đán thấy cả sợ, cho là quái-thai, đem ra xa, vứt ở bờ ngòi. Đêm hôm ấy, Thổ-thần đem đứa bé lên cây, nhét vào tổ quạ. Sáu bảy hôm sau, Tôn-Đán đi qua đấy, nghe tiếng khóc ở trên cây, trèo lên xem, thì thấy đứa bé mình vất bờ ngòi hôm nọ. Bụng nghĩ rằng: đứa bé ấy không chết, tất là khác thường, bèn đem về bắt Điền-thị nuôi, đặt tên là Hoàng-Sào.
Khi Vua có chiếu cầu hiền thì Hoàng-Sào ra ứng-thí được đỗ Vũ-trạng-nguyên. Đến hôm các tân-khoa vào bệ-kiến, Vua thấy trạng xấu quá, không dùng và đánh hỏng.
Hoàng-Sào ra khỏi cửa điện, tự nói rằng: “Chiếu vua nói rõ thi lấy văn hay võ giỏi, chứ không nói thi lấy xấu-đẹp. Nếu sớm biết thế, ta quyết chẳng đi thi. Nhưng đã là trượng-phu, thì có cần gì”. Bấy giờ Hoàng-Sào mới có chí làm giặc.
Ra đi được một quãng, chợt nghe thấy gà rừng gáy một tiếng, Hoàng-Sào nói to lên rằng: “Nếu ta có phận được thiên-hạ, thì mày gáy thêm tiếng nữa đi”.
Quả-nhiên gà lại gáy một tiếng nữa. Hoàng-Sào có đề vào bức tường trắng một bài thơ như sau:

Khí cả toan lên nuốt Đẩu Ngưu,
Ban-Siêu ném bút, vẫn phong-hầu.
Có ngay trước ngựa ba nghìn lính,
Cơ-nghiệp Đường-triều quyết tóm thâu.


Nguyên tác:

Hạo khí bằng bằng quán Đẩu Ngưu,
Ban-Siêu đầu bút khứ phong-hầu.
Mã tiền đản đắc tam thiên tốt,
Đoạt thủ Đường triều tứ bách châu.


浩 氣 磅 磅 貫 斗 牛
班 超 投 筆 去 封 侯
馬 前 但 得 三 千 卒
奪 取 唐 朝 四 百 州


Hoàng-Sào đề xong rồi bỏ đi. Sau, lính tuần thành đem bài thơ ấy vào tâu Triều-đình. Vua bèn hỏi Lệnh-Khảo rằng: “Hoàng-Sào có ý phản, định lấy thiên-hạ, khanh nghĩ thế nào?”
Lệnh-Khảo tâu: “Bệ-hạ chớ lo, nên vẽ hình-dạng Hoàng-Sào thông chiếu các nơi, hễ ai bắt được đem nộp thì hậu-thưởng”.
Vua xuống chiếu yết bảng, vẽ hình để bắt Hoàng-Sào. Lúc bấy giờ, trong chùa Tàng-mai, ở một nơi xa-cách Trường-an, có một ông sư-già, đêm nào cũng thấy đèn thờ không sáng, nên phải thúc-giục các tiểu gót dầu. Các tiểu đều lấy làm lạ rằng lần nào cũng vậy, dầu vừa gót chửa được bao lâu đã hết; mới rình xem, thì thấy hai quỷ-sứ đến lấy trộm dầu. Các tiểu bèn rủ nhau trình sư-già. Sư-già không tin, cũng thân đến rình xem, thì quả thấy thực, liền nắm lấy quỷ mà hỏi. Quỷ thưa rằng: “Nay quan Âm-tào làm sổ, thiếu dầu, nên chúng tôi phải đi lấy ở các đền-chùa về dùng”.
Sư-già lại hỏi: “Vậy làm sổ gì?”
Quỷ thưa rằng: “Làm sổ sinh-tử. Nguyên vì có người tên là Hoàng-Sào, tên chữ là Cự-Thiên, sắp khởi-binh đánh nhà Đường, giết người đến tám trăm vạn, khởi-hành từ chùa này. Ở đây cũng có một người tăng bị giết”.
Sư-già hỏi: “Người ấy tên là gì?”
Quỷ nói đúng tên sư-già. Nghe nói, sư sợ quá, kêu với quỷ cứu mạng cho.
Quỷ nói: “Thiên-đình đã định rồi, không làm thế nào được. Hay là kêu với Hoàng-Sào đừng giết thì được”.
Từ khi có lệnh truy-nã, Hoàng-Sào phải tìm đường lẩn-trốn. Khi qua chùa Tàng-mai, thì sư-già nhận biết được, đón-rước vào chùa, bầy tiệc rượu thết-đãi, thuật lại lời quỷ nói, và xin tha đừng giết.
Hoàng-Sào nghe nói cả mừng mà nói rằng: “Nếu sự quả như thế, thì thề không giết một người nào ở chùa này”.
Từ đấy, Hoàng-Sào cứ ẩn-núp ở trong chùa. Một đêm, Hoàng-Sào, đi dạo ở trong vườn sau chùa, chợt thấy một vị tiên-nữ tự trên trời xuống, tay cầm bảo-kiếm đưa cho và nói: “Vâng mạnh Thiên-đình, ta giao cho thanh kiếm này để giết đủ tám trăm vạn người”.
Nói rồi liền hóa một trận gió to mà biến mất. Hoàng-Sào được kiếm cả mừng, đem cho sư-già xem, và kể lại sự-thể tiên nói cho biết.
Hôm mười bốn tháng năm, Hoàng-Sào bảo với sư rằng: “Tôi định năm Nhâm-tí, tháng Nhâm-thân, ngày Giáp-thân và giờ Canh-ngọ, tức là ngày mai, mười rằm tháng năm, tôi đi thử kiếm. Các người trong chùa nên đi ẩn-tránh nơi khác”.
Nói vừa xong, thì thấy Thập-Vạn-Gia cho mời các tăng hôm sau đến phó-trai. Sư-già phân-phó cho các tiểu đi, một mình ở lại thu-xếp việc ẩn tránh. Sáng sớm hôm sau, các tiểu đi phó-trai, sư-già cùng Hoàng-Sào ăn cơm, đến gần giờ Ngọ, Hoàng-Sào bảo sư-già phải lánh xa, vì khi bước ra ngoài, hễ thấy bất-cứ vật gì, cũng phải khai đao. Sư vâng lời đi ra, không biết trốn vào đâu, nhân trông thấy một cây có cái hốc, bèn chui vào đấy.
Đến đúng giờ Ngọ, Hoàng-Sào mang kiếm đi ra, ngửa mặt lên trời mà khấn rằng: “Sào này vốn là dân nhà Đường, một kẻ thư-sinh, gặp lúc vua thì vô-đạo, tin dùng kẻ gian-tà, nhân-dân muốn loạn, các quan chỉ tham tiền-tài mà không hề biết đến kẻ hào-kiệt. May trời lại ban cho Sào thanh bảo-kiếm, ra lệnh rõ-ràng. Nhân nay chọn được ngày lành, xin phép khai-đao, thề giết bọn quyền-gian, cướp lấy giang-sơn để thanh-bình thiên-hạ”.
Khấn xong, nhớ đến lời thề không giết người trong chùa, bèn đến nơi vắng-vẻ, chọn một cây to nhất, khai đao một nhát, đứt ngay. Chợt thấy đầu người lăn ra, máu chảy đầm-đìa, nhìn kỹ mới biết chính đầu ông sư-già. Hoàng-Sào khóc rằng: “Bản-tâm tôi không định giết, tại sao lại trốn vào đây, thật là số trời, không sao tránh được”.
Hoàng-Sào giết ông sư-già xong rồi, bỏ chùa mà đi. Đến đường Dương-quan gặp một toán rất đông, lại khấn trời rằng nếu có phận được thiên-hạ, thì xin cho toán này quy-phục. Khấn rồi, liền hỏi: “Lũ các ngươi đi đâu?”
Bọn ấy thưa rằng: “Chúng con đều là sĩ-tử hỏng thi”.
Sào lại hỏi: “Các ngươi có muốn theo ta lấy thiên-hạ của nhà Đường không?”
Bọn ấy thưa rằng: “Chúng con tình-nguyện đi theo Đại-vương”.
Hoàng-Sào từ khi thu được bọn sĩ-tử, thiên-hạ quy-phục rất đông, chưa được nửa năm, thu được binh-tướng kể hơn trăm vạn, đánh quân triều-đình, khiến vua Hi-Tôn phải chạy vào Thục. Hoàng-Sào kéo binh vào Trường-an.
Trương-Phương-Trực là Đường-triều Kim-ngô-đại-tướng-quân, đưa tất cả văn-vũ bách-quan ra chào-mừng, dâng mũ miện và ngọc-tỷ, và tôn Hoàng-Sào lên làm vua.
Hoàng-Sào lên điện Thái-bình, ngồi quay mặt về hướng nam, chịu văn vũ quan-liêu, hô vạn-tuế, mà lên ngôi Hoàng-đế, quốc hiệu Đại-tề, cải nguyên Kim-thống nguyên-niên, lập con là Cầu làm Thái-tử.
Các quan cựu-thần nhà Đường, từ tam phẩm trở lên, cho về không dùng, từ tứ phẩm trở xuống, cho ở lại chức cũ. Còn chư-tướng, thì xét công phong chức.
Hoàng-Sào lại cho đuổi bắt vua Hi-Tôn.
Vua Hi-Tôn cả sợ. Có người tâu rằng: “Trẻ con có hát câu “Quần nha nhập sào, sào tất phá”, xét câu ấy, xin Bệ-hạ cử Lý-Nha-Nhi, tức là Lý-Khắc-Dụng, hiện bị đầy ở ngoại-quốc ra cự-địch thì phá nổi Hoàng-Sào”.
Vua Hi-Tôn nghe lời, bèn phong Lý-Khắc-Dụng làm Phá-sào Đại-nguyên-súy.
Từ đấy, quân Khắc-Dụng đánh nhau với quân nhà Tề, trong bốn năm, kể có mấy trăm trận, khi được khi thua, hai bên vẫn không phân thua được.
Về sau, quân Tề bị thua luôn mấy trận. Hoàng-Sào thấy thế, phải ngự-giá thân-chinh, nhưng vì mắc mưu Đức-Uy, quân-sư của Lý-khắc-Dụng cho nên phải thua chạy, cùng với cháu là Hoàng-miễn chốn vào núi. Đến lúc biết là núi Diệt-sào thì Hoàng-Sào tự nghĩ cái tên ấy như báo điềm nguy, dù có trở lại Tràng-an tất không khỏi nhục, bèn bảo Hoàng-Miễn rằng: “Ngày xưa Hạng-Vương bị thua, tự tử ở Ô-giang, dặn người làng là La-Mã-Thông cắt lấy đầu đem nộp mà lấy công. Nay ta cũng cho ngươi lấy đầu ta mà đem nộp vua Đường”. Nói rồi, lấy kiếm tự-tử.
Hoàng-Miễn liền cắt lấy đầu đem nộp. Lý-Khắc-Dụng hỏi: “Làm thế nào giết được Hoàng-Sào?”
Hoàng-Miễn thưa rằng: “Chúng tôi lừa lúc ngủ đâm chết, cắt đầu đem nộp để chuộc tội”.
- Ngươi là cháu được phong chức gì?
- Bất cứ con hay cháu đều được phong Thân-vương.
- Hoàng-Sào ở ngôi được mấy năm?
- Thưa được bốn năm.
- Nếu thế thì ngươi đã được bốn năm phú-quý. Ngươi là đứa bất trung bất hiếu, vô ân, vô nghĩa.
Bèn sai đao-phủ đem ra chém đầu răn chúng.
PHAN-THẾ-ROANH dịch
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Điển Tích

Postby bevanng » 03 Feb 2023

Thạch-Sùng (Đông-Tây-Tấn)


- Trong làng có một phú-ông,
Gia-tư đọ với Thạch-Sùng kém đâu.

(THỊ-KÍNH)

- Thạch-Sùng lắc lưỡi lắc đầu,
Nhân-sinh rất mực hòa dầu hòa sang.

(TRINH-THỬ)


Thạch-Sùng vốn sinh ở Thanh-châu, về đời Tây-tấn, tên chữ là Quý-Luân, hiệu là Tề-Nô, thủa nhỏ tư-chất thông-minh, có nhiều mưu-trí. Bố tên là Thạch-Bào, lúc gần chết, chia của cho các con, Thạch-Sùng được phần ít nhất. Người mẹ hỏi tại sao không chia đều, thì Thạch-Bào nói: “Về sau nó sẽ có nhiều hơn những đứa kia”.
Sau, Thạch-Sùng được làm Tu-vũ-lệnh, lại đổi làm Dương-thành Thái-thú, nhân đánh Ngô có công, được phong An-dương-hầu.
Vua Tấn-Vũ-Đế thấy Thạch-Sùng có tài, cho thăng làm Kinh-châu Thứ-sử. Lúc ở Kinh-châu, Thạch-Sùng thường thông với lũ cường-đạo ăn cướp của những người thương-khách, bởi vậy trở nên đại-phú. Sau thăng làm Thái-bộc và Vệ-úy. Thạch-Sùng có một biệt-thự ở lũng Kim-cốc, rất là tráng-lệ, thường hội-họp các bạn-bè ở đấy ăn-uống chơi-bời. Càng ngày càng giầu-có, lâu-các nguy-nga, cao đến trăm trượng chăng toàn gấm-vóc trạm-lộng rất công-phu, các đồ trân-quý không biết bao nhiêu mà kể. Kể tài-sản thì thực là thiên-hạ vô-song. Thời bấy giờ có quan Hậu-tướng-quân, tên là Vương-Khải, em bà Hoàng-hậu, nhà cũng rất giầu, xa-xỉ cũng vào bậc nhất. Một hôm, hai người cạnh-tranh nhau về sự giầu-có.
Vương-Khải nói: “Tôi lấy đường làm tro”.
Thạch-Sùng lại nói: “Tôi lấy nến làm củi”.
Vua bèn phán: “Lời nói không lấy gì làm bằng. Muốn biết ai hơn ai kém, phải lấy những thứ quý nhất đem ra, hễ ai nhiều thì được”.
Vương-Khải lấy trướng lụa, trải đường được bốn mươi dặm. Thạch-Sùng lại trải năm mươi dặm. Vương-Khải dùng phấn đá đỏ quét vôi nhà. Thạch-Sùng lại dùng hồ tiêu. Các bạn thấy Thạch-Sùng hơn, bèn khen-ngợi. Vua thấy thế cho Vương-Khải một cây san-hô cao hai thước. Vương-Khải cả mừng, liền đem cây san-hô ra thi. Thạch-Sùng trông thấy, lấy ngọc như-ý đập cây ấy vỡ tan.
Vương-Khải cả giận nói: “Túc-hạ không có của quý như thế mà đem ra, cho nên mới đập đi, thế thì thật là người hay ghen-ghét”.
Thạch-Sùng nói: “Xin ngài đừng vội giận, tôi xin đền”.
Bèn đem năm-sáu cây san-hô đều cao bốn thước, sáng rực, rồi lấy một cây đền Vương-Khải. Các bạn hai bên đều xin hòa, rồi ai về nhà nấy. Đến khi Vua Vũ-Đế thăng-hà, Thái-tử lên ngôi, tức là Huệ-Đế. Vì vua nhu-nhược, nên quyền-chính về cả tay Thân-vương, sau Giả-hậu lại mưu giết Thái-hậu và các Thân-vương mà tranh quyền, thành ra nội-loạn.
Có một Thân-vương là Triệu-vương Tư-Mã-Luân, lừa đem quân vào cung, bức vua Huệ-Đế phải bỏ Giả-hậu mà giết đi. Thế là bình được loạn Giả-hậu, quyền-bính lại về tay Triệu-Vương-Luân cả.
Tư-Mã-Luân tự làm Tướng-quốc, rất tin một người gia-thần tên là Tôn-Tú. Tôn-Tú, nghe nói Thạch-Sùng có một người ái-cơ tên là Lục-Châu, nhan-sắc lạ thường, nhạn sa, cá lặn, lại thêm cầm-kỳ-thi-họa, múa khéo hát hay, vẫn để riêng trên lầu Kim-cốc. Tôn-Tú lập tức sai sứ đến bắt.
Khi sứ đến, Thạch-Sùng ra tiếp. Sứ nói: “Người ta có đồn ngài có nhiều mỹ-nữ, tài-sắc hơn người, phải chọn một người hơn cả để đem vào dâng Tướng-công”.
Thạch-Sùng nghe nói, liền đem tất cả thị-nữ, hơn trăm người và nói xin sứ tự chọn lấy.
Sứ-thần nói: “Tôi được lệnh ra bắt Lục-Châu. Xin ngài chỉ cho tôi biết là người nào, để tôi rước về, dâng quan Tướng-quốc”.
Thạch-Sùng nói: “Không được. Lục-Châu là ái cơ của tôi, dẫu thế nào, cũng không được bắt”.
Sứ nói: “Quân-hầu là người am-hiểu hết sự đời, sao không nhận rõ thời-thế bây giờ. Nếu mà cưỡng lệnh tất có vạ to, xin Quân-hầu nghĩ lại cho chín”.
Thạch-Sùng nhất-định không nghe. Sứ-thần phải về bẩm với Tôn-Tú.
Tôn-Tú nghe nói, cả giận, vào bẩm với Triệu-Vương-Luân rằng: “Thạch-Sùng có ý phản, ỷ thế giầu-có, lập mưu làm loạn, nếu không trừ, sau hối không kịp”.
Triệu-Vương nói: “Nếu thế thì cứ giết đi”.
Tôn-Tú được lệnh đem hai trăm quân ra vây nhà Thạch-Sùng.
Thạch-Sùng đang cùng Lục-Châu ngồi trên lầu Kim-cốc, thấy quân kéo đến hô rằng: “Có lệnh bắt Thạch-đại-nhân. Xin ngài xuống lầu ngay cho”.
Thạch-Sùng thấy vậy, cả sợ, bảo Lục-Châu rằng: “Tôi vì nàng mà bị tội. Không biết họ đem tôi đi đâu?”
Lục-Châu khóc mà thưa rằng: “Quân-hầu đã vì thiếp mà phải tội, thì thiếp cũng vì Quân-hầu mà chết. Thiếp xin chết trước, chứ mặt mũi nào lại chịu vào cửa khác để nhục đến Quân-hầu”. Nói rồi, nhảy từ trên lầu cao xuống đất mà chết.
Bọn quân giải Thạch-Sùng đến pháp-trường. Biết mình phải chết, bèn khóc mà than rằng: “Không biết gia-tài của tôi sẽ về ai?”
Quan Giám sát nói rằng: “Đã biết của hay làm họa cho người, sao không tán đi từ trước?”
Thế là Thạch-Sùng bị chém, gia-sản bị tịch-biên.
PHAN-THẾ-ROANH dịch
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

PreviousNext

Return to Hoa Thơm Cỏ Lạ



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 9 guests