Lý-Ích Và Tiểu-Ngọc (Tình-Sử)
- Trách người sao nỡ vầy-vò,
Để cho Tiểu-Ngọc giận no đến già.
(THỊ-KÍNH)
- Trách người sao nỡ vầy-vò,
Để cho Tiểu-Ngọc giận no đến già.
(THỊ-KÍNH)
Niên-hiệu Đại-lịch đời Đường, ở Lũng-tây, có người học-trò tên là Lý-Ích, mới 20 tuổi đã đỗ Tiến-sĩ, còn chờ năm sau thi khoa Bạt-tụy. Mùa hạ năm ấy, Lý-sinh đến Trường-an, trọ ở xóm Tân-xương.
Lý-sinh vốn là con nhà phong-lưu, thuở nhỏ đã có tài, những áng thơ văn từ phú, ít người sánh kịp, các bậc lão-thành cũng đều chịu là hay. Chàng trong lòng tự nghĩ mình là tài-tử, tất phải sánh đôi với giai-nhân, nên để ý tìm-tòi, nhưng chưa được nơi nào vừa ý.
Lúc bấy giờ ở Trường-an có một mụ mối giỏi, tên gọi là Bào-thập-nhất nương, vốn là thị-tỳ nhà Tiết-Phụ-Mã, tự chuộc mình ra đã hơn 10 năm. Mụ rất khôn-ngoan linh-lợi, cho nên những nhà quyền-quý, không nơi nào là mụ không vào lọt. Lý-sinh hậu-đãi mụ, và ngỏ ý nhờ mụ làm mối cho một nơi xứng-đáng.
Vài tháng sau, một hôm Lý-sinh đương ở nhà trọ, chợt nghe tiếng gọi cửa. Chàng vội ra xem, thì là Bào-thập-nhất-nương. Chàng mừng-rỡ mà hỏi: “Hôm nay mụ Bào đến đây, tất có tin mừng”.
Bào-thập-nhất-nương nói: “Quả có tin may-mắn, nên tôi đến báo để chàng biết. Hiện có người nhan-sắc tuyệt trần, mà tính-tình cao-thượng, không ham phú-quý, chỉ mộ người thanh-nhã phong-lưu. Liệu như thế, Thập-lang có vừa ý hay không?”
Lý-sinh nghe nói mừng lắm, vội chắp tay mà tạ rằng: "Nếu được như thế, thật là vạn-hạnh”.
Chàng lại hỏi tên-tuổi và gia-thế người con gái. Mụ Bào nói rằng: “Nàng ấy là con gái nhỏ của Hoắc-Vương, tên gọi Tiểu-Ngọc. Khi Hoắc-Vương còn sống, nàng được Vương yêu-quý nhất nhà. Mẹ nàng là một người thiếp yêu của Hoắc-Vương, tên là Tĩnh-Chì. Lúc Hoắc-Vương mất, anh em nàng thấy nàng là con tỳ-thiếp nên không nhận, chia cho ít của để cùng với mẹ ra ở bên ngoài, và đổi theo họ mẹ là Trịnh-thị, cho nên ít người biết nàng là con gái Hoắc-Vương. Tiểu-Ngọc vẻ đẹp tuyệt-vời, lại thêm tư-chất thông-minh, cốt-cách thanh-cao, tính-tình hòa nhã, thi-ca âm-nhạc, thứ gì đều cũng hơn người. Cách đây mấy ngày, mẹ nàng có ngỏ ý kén rể, muốn được người xứng đáng với tài-sắc của nàng. Tôi liền nói đến Thập-lang, thì Tiểu-Ngọc bảo cũng có biết tiếng, và lấy làm hâm-mộ lắm. Nhà nàng ở đường Cổ tự phường Thắng-nghiệp. Tôi có hẹn trưa mai sẽ đưa chàng đến để xem mặt. Chắc rằng chàng sẽ được mọi người ưng thuận”.
Mụ Bào từ về. Lý-sinh vội-vàng sửa-soạn để hôm sau đi xem mặt. Chàng sai đầy-tớ là Thu-Hồng đi mượn ngựa tốt với bộ yên vàng của người thân-thích, là một vị Tướng-quân ở Kinh-triệu. Chàng lại tắm-gội sửa-sang, lòng mừng khôn xiết, suốt đêm thao-thức, không sao ngủ được. Sáng hôm sau, mũ-áo chỉnh-tề, soi gương mấy lần mà vẫn lo rằng không đẹp.
Đến trưa, chàng lên ngựa đi thẳng tới phường Thắng-nghiệp. Đến nơi, đã thấy kẻ hầu đứng chực ngoài cổng hỏi rằng: “Chàng có phải là Lý-thập-lang không?”
Lý gật đầu rồi xuống ngựa. Người hầu dẫn vào đến cửa, thì thấy mụ Bào ở trong chạy ra, cười mà nói rằng: “Chàng là ai, mà dám đường-đột vào đây thế?”
Lý-sinh chưa kịp trả lời, thì mụ đã đon-đả mời chàng vào nhà. Chàng thấy trước sân có trồng bốn cây anh-đào, ở phía tây-bắc lại có lồng chim anh-vũ. Anh-vũ thấy người vào, thì nói rằng: “Buông mành xuống”.
Lý-sinh còn đang ngắm-nhìn cảnh-vật, chợt nghe tiếng nói, giật mình dừng bước, thì đã thấy mụ Bào dẫn Tĩnh-Chì ra đón chàng vào nhà trong mời ngồi.
Tĩnh-Chì tuổi độ tứ-tuần, vẻ người tươi-đẹp, ăn-nói nhẹ-nhàng. Bà bảo Lý-sinh rằng: “Thập-lang thường có tiếng là người phong-nhã, nay được gặp mặt, mới biết thiên-hạ không lầm. Tôi chỉ có một mụn gái, không đến nỗi xấu, những mong gả cho người quân-tử, để em nó lấy chỗ nương-nhờ. May sao, Bào-thập-nhất-nương đến làm mối cho Thập-lang. Nếu quả Thập-lang vừa ý, tôi rất vui lòng để em nó nâng khăn sửa túi”.
Lý-sinh nghe nói tạ rằng: “Kẻ bất-tài này lại được bà thương đến, thật lấy làm vẻ-vang”.
Tĩnh-Chì truyền bầy tiệc rượu khoản-đãi, rồi cho gọi Tiểu-Ngọc. Tiểu-Ngọc từ thềm bên đông đi tới, Lý-sinh trông thấy, đứng dậy vái-chào. Chàng thấy Tiểu-Ngọc mặt đẹp như hoa, mày xanh lá liễu, hai mắt lóng lánh như nước mùa thu, thì mừng lắm. Tiểu-Ngọc rón-rén đến ngồi cạnh mẹ. Tĩnh-Chì nói rằng: “Con thường đọc câu:
“Mở rèm nhác thấy xa-xa,
Gió lay cành trúc ngỡ là cố-nhân”.
Nguyên tác:
Khai liêm phong động trúc,
Nghi thị cố-nhân lai.
開 簾 風 動 竹
疑 是 故 人 來
Gió lay cành trúc ngỡ là cố-nhân”.
Nguyên tác:
Khai liêm phong động trúc,
Nghi thị cố-nhân lai.
開 簾 風 動 竹
疑 是 故 人 來
Thập-lang đây chính là người đã làm ra những câu ấy. Con thường ngâm thơ thưởng-thức, sao bằng nay được thấy mặt chàng."
Tiểu-Ngọc cúi đầu mỉm cười mà nói: “Chẳng cứ gì phải biết người, chỉ biết danh cũng đủ, vì đã có tài, là thường có mạo”.
Lý-sinh đứng dậy nói rằng: “Nương-tử yêu tài, tiểu-sinh trọng sắc, nay hai bên đều được như-nguyện cả”.
Tiểu-Ngọc và Tĩnh-Chì đều mỉm cười. Rượu đã ngà ngà, Lý-sinh nói xin Tiểu-Ngọc hát cho nghe một bài. Tiểu-Ngọc ngồi im. Tĩnh-Chì phải cố ép, Tiểu-Ngọc mới chịu cất tiếng: điệu ca trầm-bổng, giọng hát du-dương. Tiệc tan, thì trời đã tối. Mụ Bào bèn đưa Lý-sinh đến yên nghỉ ở viện phía tây. Viện ấy trang-hoàng rất là lộng-lẫy, màn là nệm gấm, cửa vẽ rèm châu. Một lúc sau, Tiểu-Ngọc bước vào, tiếng nói nhẹ-nhàng, vẻ người tha-thướt. Khi nàng bỏ áo cởi xiêm, Lý-sinh thấy uyển-chuyển như Hằng-nga Tiên-tử, khi loan-phòng chung gối, chàng tưởng như còn hơn giấc mộng non Vu.
Trời gần sáng, Tiểu-Ngọc bỗng sa lệ mà nói rằng: “Thiếp mang tiếng là con nhà ca-xướng, dám đâu dự vào bậc bố-kinh. Nay nhờ nhan-sắc mà được gửi thân vào chàng, nhưng mai sau sắc kém đi, thì niềm ân-ái tất cũng dần dần phai-nhạt, thiếp một mình thân gái, khác gì mảnh quạt mùa thu, ai còn đoái tưởng. Nghĩ thế, nên đương vui bỗng hóa ra buồn”.
Lý-sinh nghe nói động lòng thương mà đáp rằng: “Cái lòng mơ-ước của tôi nay đã được thỏa-mãn, thì dù thịt nát xương tan, cũng không dám-phụ bạc. Sao nàng lại nghĩ thế?”
Chàng lại bảo lấy lụa trắng để viết lời thề. Tiểu-Ngọc gạt lệ, sai thị tỳ là Anh-Đào mang lụa và bút nghiên đến. Tiểu-Ngọc ngày thường vẫn làm bạn với văn-thơ, cho nên những đồ dùng trong văn phòng đều là những thứ quý của Vương-gia cả. Lý-sinh vốn là người có tài, hạ bút thành văn, nhắc tới non-sông trời-đất để thề, lời-lẽ thống-thiết. Từ đấy, hai người rất tương-đắc, chẳng khác gì đôi chim phỉ thúy cùng nhau ríu-rít ở chốn từng mây.
Hai năm sau, về mùa thu, Lý-sinh đỗ khoa Bạt-tụy, được bổ Chủ-bạ ở Trịnh-huyện. Tháng tư năm sau nữa, chàng mới đi nhậm-chức. Trước khi lên đường, chàng đặt tiệc ăn mừng ở Đông-lạc, những bà-con thân thích đều đến dự. Tiệc xong, chàng trở về phòng. Tiểu Ngọc bảo chàng rằng: “Tài danh như chàng, ai chả hâm-mộ, mà mong gá nghĩa trăm-năm. Vả chàng trên có mẹ già, lại không có người coi-sóc, chàng đi chuyến này, chắc phải định mối lương-duyên, lời thề trước khi, chẳng qua cũng là hư-ngữ. Thiếp có một lời muốn bầy-tỏ cùng chàng, không biết chàng có sẵn lòng nghe cho không?”
Lý-sinh lấy làm lạ, mà bảo rằng: “Nàng muốn điều gì, xin cứ nói, tôi sẽ nghe theo”.
Tiểu-Ngọc nói: “Thiếp nay mới 18 tuổi, chàng 24 tuổi, từ nay đến lúc phải thành gia-thất, còn được 6 năm; vậy xin cho thiếp ở cùng chàng đến lúc ấy, rồi chàng sẽ tìm nơi xứng-đáng cũng không muộn. Bấy giờ thiếp sẽ bỏ hết việc đời, cắt tóc đi tu. Cái ý-nguyện của thiếp là thế đấy”.
Lý-sinh trong lòng cảm-động, bỗng rơi lệ mà bảo Tiểu-Ngọc rằng: “Lời thề ngày trước, dù sống thác vẫn ghi lòng; vả tôi với nàng dù có ăn-ở với nhau trọn kiếp, cũng chưa hẳn là thỏa-mãn, có đâu lại dám hai lòng. Nàng cứ yên tâm, đợi đến tháng tám, tôi đến Hoa-châu sẽ cho người về đón; những ngày hội-họp cũng chẳng xa đâu”.
Cách vài hôm, Lý-sinh từ-biệt lên đường, Lý đến nơi nhậm-sở một tuần, rồi xin phép về thăm mẹ. Đến nhà, thì bà mẹ cho biết rằng đã hỏi cho chàng một người cháu gái bà, là họ Lư. Bà mẹ tính vốn nghiêm-nghị, Lý-sinh không dám chối-từ. Nhà họ Lư là nhà gia-thế, nên gả chồng cho con thách cưới rất nhiều, nếu không đủ lễ không được. Nhà Lý-sinh lại vốn thanh-bạch, phải đi vay những người thân ở xa, cho nên chàng phải vất-vả, từ mùa thu năm trước, mãi đến mùa hạ năm sau, mới thu-xếp xong, thành ra sai hẹn cùng Tiểu-Ngọc. Chàng không biết làm thế nào, nên đành lòng phụ ước. Chàng lại giấu không cho ai biết mình ở đâu, để Tiểu-Ngọc tuyệt đường dò-la.
Đến kỳ hẹn, Tiểu-Ngọc không thấy tin-tức Lý-sinh, bèn cho người đi tìm-hỏi khắp nơi, nhưng mỗi người nói một khác. Nàng đứng đợi ngồi mong, có khi lại tìm thày bói-toán. Một năm vong-vóng chốn phòng không, nên buồn-rầu uất-ức thành bệnh. Phần vì lộ-phí tìm-tòi, phần vì thuốc-thang điều-trị, tốn kém rất nhiều, cho nên ngày càng túng-thiếu, thường phải sai thị-tỳ đem giấu đồ-đạc đến nhà Hầu-Cảnh-Quang bán lấy tiền tiêu.
Một hôm, Tiểu-Ngọc sai thị-tỳ đem vòng ngọc tía đến bán cho Cảnh-Quang. Một ông lão thợ ngọc thấy vòng ấy, cầm lấy xem kỹ rồi nói rằng: “Cái vòng này, trước kia chính tay tôi làm cho con gái Hoắc-Vương khi cô ấy mới cài trâm, Hoắc-Vương trả công đến muôn đồng tiền. Nàng là thế nào mà lại có chiếc vòng này?”
Người thị-tỳ đáp: “Tiểu-thư tôi chính là con Hoắc-Vương; bây giờ nhà-cửa sa-sút, lại bị người phụ-bạc, bỏ đi Đông-đô không về, Tiểu-thư tôi phiền-não nên ốm đã hai năm nay, vừa sai tôi đem bán vòng này để lấy tiền, thuê người đi dò-hỏi tin-tức”.
Người thợ ngọc ngậm-ngùi mà than rằng: “Không ngờ con nhà quý-tộc mà sa-cơ đến thế. Già này trông thấy cái cảnh thịnh-suy mà đau lòng”.
Bèn đưa người thị-tỳ đến thăm Duyên-Tiên Công-chúa, thuật lại truyện nàng Tiểu-Ngọc. Công-chúa rất lấy làm ái-ngại, cho nên bỏ ra 12 vạn tiền để mua vòng ngọc ấy. Bấy giờ Lý-sinh đã nộp đủ sính-lễ cho họ Lư, rồi trở về Trịnh-huyện. Đến tháng chạp, chàng lại xin nghỉ về Trường-an, nhưng rất kín tiếng trọ ở một nơi, không cho ai biết.
Lý-sinh vốn có một người em họ, tên là Thôi Doãn-Minh; khi chàng ở nhà Tiểu-Ngọc, Doãn-Minh thường đến chơi, nhân thế mà có dịp quen Tiểu-Ngọc, và được nàng đối-đãi ân-cần, cho nên vẫn cảm cái ơn ấy. Từ khi Lý-sinh bặt tiếng, Doãn-Minh nghe được tin gì, là đến mách Tiểu-Ngọc. Lần này Lý-sinh trở về Tràng-an, Doãn-Minh cũng vội đến mách.
Tiểu-Ngọc biết vậy, giận lắm than rằng: “Không ngờ Lý-sinh nỡ phụ lòng đến thế”.
Nàng mượn những người thân với Lý đến mời, nhưng Lý đã trót sai lời ước, lại nghe nói Tiểu-Ngọc ốm nặng, nên chàng không muốn đến. Sớm đi tối về, chàng đều tránh lối qua nhà Tiểu-Ngọc.
Tiểu-Ngọc ngày-đêm khóc-lóc, bỏ ngủ quên ăn, chỉ mong được gặp mặt Lý-sinh, nhưng chàng cố trốn-tránh, không sao gặp được. Nàng càng oán-hận, bệnh lại càng tăng, đến nỗi nằm liệt giường không dậy được. Trong thành Trường-an có nhiều người biết chuyện, những thương Tiểu-Ngọc đa-tình, lại trách Lý-Sinh bạc-hạnh.
Nhân tiết tháng ba, giai-nhân tài-tử rập-rìu du xuân, Lý-sinh cũng rủ năm sáu người bạn, đến chùa Sùng-kinh xem hoa mẫu-đơn và xướng-họa. Trong số ấy, có Trương-Hạ-Khanh, là bạn thân của Lý, bảo Lý rằng: “Tiết xuân đầm-ấm, cây-cỏ tốt-tươi, mà đáng thương thay! Tiểu-Ngọc một mình vong-vóng, đến nỗi thành bệnh, không dậy được. Sao anh nhẫn-tâm bỏ nàng? Tôi thiết-tưởng làm kẻ trượng-phu, đâu nỡ như thế?”
Hạ-Khanh đương nói, thì có một người trông ra dáng hiệp sĩ, mình mặc áo vàng, vẻ người quắc-thước, nấp ở sau cột nghe trộm, rồi bước ra chào mọi người, và nói với Lý rằng: “Ngài có phải là Lý-thập-lang không? Tôi quê ở Sơn-đông, đến đây thăm người bà-con bên ngoại. Tôi văn-chương tuy kém, nhưng lòng rất trọng người có tài. Tôi được nghe tiếng ngài đã lâu, chỉ mong có dịp theo gót, may sao lại gặp. Nhà tôi cũng gần đây, xin ngài quá bộ lại chơi. Ngài thích thứ gì sẽ được như ý”.
Những người đi với Lý, nghe nói đều tán-thành, rồi cùng người ấy, sánh ngựa cùng đi. Qua mấy phố, thì gần đến phường Thắng-nghiệp. Lý-sinh thấy gần nhà Tiểu-Ngọc, không muốn đi qua, liền quay đầu ngựa. Người hiệp-sĩ ngăn lại nói rằng: “Chỉ còn một quãng nữa thì đến nơi, sao ngài lại nỡ quay lại?”
Rồi người ấy nắm lấy cương ngựa của Lý mà dắt đi. Đến cửa họ Trịnh, Lý-sinh hoảng-hốt quất ngựa toan chạy. Người hiệp-sĩ vội bảo kẻ hầu ôm lấy Lý-sinh, rồi dẫn đến nhà Tiểu-Ngọc gọi cửa, nói rằng có Lý-thập-lang đến. Cả nhà nghe tin đều lấy làm mừng.
Đêm trước Tiểu-Ngọc có chiêm-bao thấy một người cao-lớn, mình mặc áo vàng, ôm Lý-sinh để lên giường, rồi bảo Tiểu-Ngọc thoát-hài nghĩa là cởi hài. Khi tỉnh dậy, nàng kể chiêm-bao ấy cho mẹ nghe, rồi lại tự đoán: “Chữ hài là giầy, thì đồng-âm với chữ hài là hợp; vậy thì vợ chồng sẽ hội hợp. Chữ thoát cũng như chữ giải, có nghĩa là buông ra; vậy thì sau khi hội-hợp tất phải lìa-tan. Cứ theo đó mà đoán, thì tất được gặp Lý-Ích, nhưng gặp rồi thì chết”.
Sáng hôm sau, Tiểu-Ngọc nói với mẹ chải đầu gỡ tóc, và trang-điểm cho nàng. Mẹ nàng cho là ốm-lâu, nên tâm-thần rối-loạn, tuy không tin mộng, nhưng cũng chiều lòng, bèn sắm-sửa chải-chuốt cho nàng. Trang-điểm vừa xong, thì quả-nhiên Lý đến. Vì Tiểu-Ngọc ốm lâu ngày, nên ngồi lên nằm xuống phải có người đỡ. Thế mà lúc ấy, nàng thấy nói Lý-sinh đến, một mình đứng dậy, thay áo chạy ra như người khỏe. Nàng trông thấy Lý-sinh, mắt nhìn chừng-chừng mà không nói được câu nào. Hình-dung nàng tiều tụy, nhưng cốt-cách vẫn yêu-kiều, nỗi đau-khổ hiện ra nét mặt. Một lúc sau, thấy ở ngoài bưng vào mấy mâm rượu, mọi người đều ngạc-nhiên; hỏi ra mới biết là của người hiệp-sĩ sai đưa đến mời mọi người.
Trong lúc uống rượu, Tiểu-Ngọc bước tới chỗ Lý-sinh, tay cầm chén rượu đổ xuống đất mà nói rằng: “Thiếp bạc-mệnh dường này, chàng nhẫn tâm thế ấy! Nay thiếp còn tuổi trẻ phải ngậm hờn mà chết, để lại mẹ già không kẻ thần-hôn, tơ chùng phím loan, xiêm là xếp bỏ, đều là tội ở chàng. Lý-lang! Lý-lang! từ nay vĩnh-biệt; ta chết đi quyết làm quỷ theo chàng suốt đời, không để cho yên”.
Tiểu-Ngọc nói rồi, một tay vỗ vào Lý-sinh, còn một tay cầm chén ném xuống đất, khóc to mấy tiếng, rồi ngã. Mẹ nàng thấy nàng ngã, vội ẵm nàng, để vào lòng Lý-sinh, bảo Lý-sinh gọi, nhưng gọi mãi cũng không sao tỉnh lại.
Lý-sinh thay đồ tang-phục, đêm ngày khóc-lóc rất thảm-thiết. Đêm trước hôm cất đám, chàng bổng-nhiên thấy Tiểu-Ngọc ở trong màn, trông đẹp như khi còn sống, mặc quần hồng áo tía như xưa, ngả mình vào bên màn, tay vuốt giải lưng, nhìn Lý-sinh mà nói rằng: “Thiếp ở chốn u-minh, xin cảm ơn chàng còn chút tình thừa đối với thiếp”. Tiểu-Ngọc nói rồi biến mất.
Sáng hôm sau an-táng nàng tại đồng Ngự-túc ở Trường-an. Lý-sinh khóc-lóc thảm-thương và đưa đến tận mộ. Một tháng sau, Lý-sinh cưới con gái họ Lư, nhưng trong dạ âu-sầu, nên không được tươi-tỉnh.
Tháng năm, Lý-sinh cùng Lư-thị về Trịnh-huyện, sau khi đến huyện được một tuần. Lý-sinh cùng Lư-thị đương nằm, thì chợt nghe thấy tiếng đằng-hắng ở ngoài màn. Lý-sinh vội dạy xem, thì thấy một người con trai, độ hai mươi tuổi, vẻ người tuấn-tú, nấp ở bên màn mà vẫy Lư-thị. Chàng giận lắm chạy lại để bắt thì chẳng thấy gì. Từ đấy, chàng đem lòng ngờ vợ. Hai người cùng cảm thấy không được yên-vui.
Một hôm chàng vừa đi vắng về, thấy Lư-thị đương ngồi gẩy đàn, bỗng từ ngoài cửa ném vào lòng Lư-thị một hộp giấy buộc dây lụa kết giải đồng tâm. Chàng mở ra xem, thì thấy hai hạt đậu tương tư, lại càng giận lắm, quát-tháo vang nhà, giật đàn đánh Lư-thị, rồi tra-hỏi những vậy ấy tự đâu mà đến. Lư-thị không thể nói được thế nào để giải nỗi oan.
Từ đấy, Lý-sinh đối với vợ rất là tàn-nhẫn, rồi đưa lên cửa quan xin ly-dị. Sau khi bỏ vợ rồi, nếu có chung-đụng với tỳ-thiếp, thì cũng đem lòng ngờ-vực ghen tuông, đến nỗi có người bị Lý ghen mà đánh chết.
Có lần Lý ra chơi Quảng-lăng, gặp người con-hát tên là Doanh-thập-nhất-nương, một trang tuyệt-sắc, nên cùng ăn-ở. Có khi Lý kể với nàng rằng người này vì bất-chính, nên bị Lý giết, kẻ kia thì lẳng-lơ nên bị Lý bỏ, để có ý dọa nàng. Mỗi khi Lý đi vắng, thì lấy chậu tắm úp nàng ở trên giường, rồi khóa cửa lại, lúc về xem-xét cẩn-thận rồi mới mở cho ra. Lý lại hay đeo thanh đoản-kiếm, và bảo cho tỳ-thiếp biết rằng thanh kiếm ấy đúc bằng thép cát-khê ở Tín-châu, chỉ để chém đầu những kẻ bất-chính.
Lý-sinh hễ gần đàn-bà là sinh ra lòng ghen, đến nỗi cưới vợ ba lần, đều cũng vì ghen mà bỏ cả.
HOÀI-CHÂU dịch